Báo động “ô nhiễm trắng”

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 18/06/2018

(BKTO) - Với ưu điểm tiện dụng, nhựa là vật dụng quen thuộc trong đời sống. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức các sản phẩm bằng nhựa, cộng với sự thiếu ý thức của con người đã khiến cho tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là một thách thức rất lớn đối với môi trường.


Việt Nam thuộc 5 nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất

Được phát minh vào năm 1909, từ những năm 1960, nhựa đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Theo GS,TS. Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hằng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua. Năm 2014, toàn thế giới đã sản xuất 314 triệu tấn nhựa để phục vụ nhu cầu của con người. Con số đó sẽ ngày càng tăng theo đà tăng dân số và nhu cầu cao trong đời sống. Dự báo, tới năm 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới 1.124 triệu tấn nhựa.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy vừa được công bố, có tới 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Kịch bản xấu nhất được dự báo là tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. ​Cũng theo Tổ chức Ocean Conservancy, tổng lượng rác thải nhựa của 5 nước Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka đổ vào các đại dương lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng gộp. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, một mảnh rác thải nhựa phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Điều này không chỉ làm thiệt hại môi trường mà còn gây tổn thất lớn cả về kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Ô nhiễm từ rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang được coi là thách thức lớn thứ 2 đối với môi trường chỉ sau biến đổi khí hậu.
Vấn nạn quốc gia

Tại Việt Nam, theo thống kê, mỗi hộ gia đình thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày. Như vậy, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Chỉ riêng 2 Thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam trở thành vấn nạn quốc gia. "Tình trạng ô nhiễm túi nilon hiện nay đã ở mức cực kỳ nghiêm trọng và rất khủng khiếp"- PGS,TS. Võ Văn Toàn, Trường Đại học Quy Nhơn khẳng định.

Đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, số lượng chất thải nhựa và túi nilon phát sinh tại Việt Nam gia tăng nhanh khủng khiếp. Số liệu điều tra cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Chất thải nhựa và túi nilon do con người thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh... tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người.

Đề xuất giải pháp căn bản cho thực trạng này, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, cần áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa; tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm; từng bước hạn chế hay cấm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên.

Cùng với đó, các biện pháp khoa học, công nghệ cũng cần được chú trọng như: cải tiến hay thay đổi các quá trình sản xuất công nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa; khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm mới thân thiện môi trường; khắc phục nhược điểm chậm phân hủy của nhựa thải; khuyến khích các công nghệ hay kỹ thuật mới để có thể sử dụng lại chất thải nhựa, tăng cường khả năng phân hủy hóa học và sinh học các loại chất thải nhựa khi thải bỏ vào môi trường...

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018