Cải cách chính sách để thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 20:53, 27/03/2023
Đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nhưng vẫn đi sau nhiều quốc gia
Báo cáo Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Các ngành dịch vụ đã và đang không chỉ là khu vực lớn nhất mà còn ngày càng trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế với tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế tăng từ 40,7% GDP trong năm 2010 lên 44,6% GDP trong năm 2019.
Hơn thế nữa, khu vực dịch vụ thường đóng góp ở mức lớn nhất cho tăng trưởng tại Việt Nam, với mức đóng góp bình quân lên tới 3 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2010-2019, so với 2,8 điểm phần trăm đóng góp của khu vực công nghiệp.
Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng từ 19% trong năm 1991 lên 35,3% trong năm 2019, không hề kém so với tốc độ tăng tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng từ 10% trong năm 1991 lên 27,4% trong năm 2019.
Phần lớn lao động dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp và biến khu vực dịch vụ trở thành nguồn cung cấp việc làm đứng thứ hai trong cả nước, sau nông nghiệp.
Mặc dù khu vực dịch vụ đã có những đóng góp nhất định nhưng kết quả đạt được vẫn đi sau các quốc gia so sánh. Năng suất lao động tăng tới 34,3% trong giai đoạn 2011-2019 nhưng con số này trong khu vực dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) chỉ tương đương với Bangladesh và còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia so sánh khác.
Đến năm 2019, tỷ trọng việc làm trong các ngành dịch vụ ở Việt Nam chỉ cao hơn so với Ấn Độ và Lào. Chỉ có 6,4% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của Việt Nam tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Tỷ trọng như vậy tương đương với Philippines nhưng thấp hơn so với Ai Cập - quốc gia có mức thu nhập tương đương Việt Nam. Do tỷ trọng việc làm còn thấp nên các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu chỉ đóng góp 9% vào tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, thấp hơn nhiều so với hầu hết quốc gia khác trong khu vực.
Các doanh nghiệp (DN) dịch vụ ở Việt Nam đang hoạt động ở quy mô nhỏ hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập. Quy mô DN dịch vụ còn nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến năng suất của chính các DN đó và cả nền kinh tế.
Ngoài ra, theo khảo sát về áp dụng công nghệ ở cấp độ DN, cả các công ty dịch vụ ở trình độ trung bình và cận biên ở Việt Nam đều có khoảng cách khá lớn so với DN cận biên trên phạm vi toàn cầu trong việc áp dụng công nghệ.
Cũng theo báo cáo của WB, các DN chế biến chế tạo của Việt Nam tương đối hạn chế trong việc sử dụng dịch vụ. Giá trị của dịch vụ đầu vào trong nước chỉ chiếm 14%, trong đó, chỉ có 1,6% các công ty chế biến chế tạo sử dụng dịch vụ mang tính đổi mới sáng tạo toàn cầu (ICT, dịch vụ chuyên nghiệp và dịch vụ tài chính).
Đẩy mạnh cải cách chính sách
“Cải cách chính sách sẽ mở ra tiềm năng để khu vực dịch vụ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam”- WB khuyến nghị.
Để nâng cao đóng góp của khu vực dịch vụ cho nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung cải cách chính sách trên phương diện thương mại và đầu tư, tạo điều kiện áp dụng công nghệ, đào tạo người lao động và DN, theo đuổi mục tiêu tác động lan tỏa giữa các lĩnh vực dịch vụ với các ngành, lĩnh vực khác.
Ngân hàng Thế giới
Theo các chuyên gia của WB, trước hết, Việt Nam có thể giảm hơn nữa những hạn chế về thương mại dịch vụ và sự tham gia của đầu tư nước ngoài. Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy những lĩnh vực dịch vụ “xương sống” như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng và bảo hiểm vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản và chưa có nhiều tiến triển trong việc loại bỏ hoặc hạ thấp những rào cản đó những năm gần đây.
Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền có thể giảm rào cản gia nhập của vốn FDI; thực hiện những cải cách về môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận tài chính cho các DN trong nước.
Công nghệ số sẽ tạo cơ hội để mở rộng quy mô và đổi mới sáng tạo trong khu vực dịch vụ, đẩy mạnh kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, qua đó nâng cao đóng góp của khu vực dịch vụ cho tăng trưởng tại Việt Nam
Ngân hàng Thế giới
Hai là khuyến khích tiếp tục áp dụng công nghệ số trong từng DN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đánh giá mới đây của WB về các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) của Việt Nam cho thấy đã có sự quan tâm lớn hơn đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu phát triển của nước ngoài.
Đồng thời, Chính phủ đang nỗ lực “thúc đẩy hàng ngũ tiên phong về công nghệ” bằng cách hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu thay vì hỗ trợ các DN trong nước. Tuy nhiên, những chính sách trên chưa chú trọng nhiều đến các hình thức đổi mới sáng tạo không dựa trên nghiên cứu và phát triển. Do vậy, nhiều khoảng trống chính sách về đổi mới sáng tạo cần được Việt Nam khỏa lấp.
Thứ ba, các chính sách cần tập trung vào việc tăng cường các kỹ năng của người lao động (đặc biệt là các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản) cũng như năng lực của các công ty và nhà quản lý.
Trong thời gian tới, các chính sách này cần làm rõ các vấn đề: Cách thức để các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ nâng cấp các kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý; xác định rõ các cơ quan sẽ thúc đẩy chương trình cải cách này và cung cấp nguồn lực cho việc đào tạo; các biện pháp khuyến khích quan hệ đối tác giữa các trường đại học và các công ty khu vực tư nhân để tăng cường đào tạo; chi phí cho các chương trình đào tạo đó.
Cuối cùng, khai thác dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn ở các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là chế tạo chế biến. Ví dụ, dịch vụ số có thể đóng vai trò lớn nhằm đưa công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào các hoạt động chế tạo chế biến./.