Quảng Ninh: Quý I, tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8%, thu ngân sách tăng 9%
Kinh tế - Ngày đăng : 13:33, 28/03/2023
Tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 14.870 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính, với đóng góp 4,04 điểm %, chiếm tỷ trọng 30,6% trong GRDP. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 4,85 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 8.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ.
Kết quả này đã đưa Quảng Ninh vào top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc, tiếp tục khẳng định đà phát triển của địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp, quy mô đứng thứ 3 ở phía Bắc, thứ 7 cả nước.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung Thành phố Hạ Long đến năm 2040; tập trung hoàn thành việc lập, trình duyệt các quy hoạch khu kinh tế Quảng Yên, quy hoạch vùng huyện: Đông Triều, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu…
Giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong đó, tập trung vào 3 trụ cột tăng trưởng: Tiếp tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công; quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, ngân sách tập trung cho an sinh xã hội; thu hẹp chênh lệch vùng miền và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.
Giữ vững sự ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than gắn với thúc đẩy tối đa sự phát triển của ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ sự đột phá trong thu hút FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là Quảng Yên.
Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, trung tâm logistics. Trước mắt, khẩn trương xây dựng tuyến vận chuyển hàng giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.
Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển; chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, ưu tiên trong lĩnh vực hải quan, ngân hàng, tài chính, thuế.../.