Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu: Tạo động lực cho doanh nghiệp, hài hòa với lợi ích của người dân
Kinh tế - Ngày đăng : 10:12, 03/03/2023
Cần tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp (DN) báo cáo sẽ không phản ánh đúng chi phí của từng DN đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trước những biến động mạnh của thị trường xăng dầu thời gian qua, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước có một số bất ổn. Một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến DN kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, Thường trực Tổ biên tập soạn thảo Nghị định đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo 1 trong 2 phương án.
Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của DN… để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở.
Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Các DN căn cứ các chi phí thực tế để tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, ưu điểm của phương án này là bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng DN, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các DN tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Khi các DN đầu mối được tự quyết định các chi phí trong kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu cho các DN thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết. Các DN đầu mối sẽ cân đối và duy trì chiết khấu trong hệ thống ở mức phù hợp với thực tế cung cầu xăng dầu trên thị trường từng giai đoạn và giúp thúc đẩy tính cạnh tranh.
Hướng tới điều hành giá linh hoạt, chiết khấu đảm bảo lợi ích cho khâu bán lẻ
Về thời gian điều hành giá, trước đây, theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành là 15 ngày. Tuy nhiên, tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành đã được sửa đổi giảm xuống còn 10 ngày.
Quan điểm của liên Bộ Công Thương - Tài chính về chu kỳ điều hành giá 10 ngày như hiện nay cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian qua.
Tuy nhiên, Thường trực Tổ biên tập vẫn đề xuất 2 phương án quy định về điều hành giá xăng dầu. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành, còn Phương án 2 là sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian xuống 7 ngày. Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.
Theo ông Nguyễn Trọng Nam - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, hiện nay, trong công thức giá chỉ tính 10 ngày là biên độ giá quá ngắn nên nếu giá xuống thì lỗ tồn kho rất lớn. Đây chính là lý do khiến thương nhân đầu mối không đủ nguồn lực để chia sẻ lại thù lao chiết khấu cho DN bán lẻ. Do đó, tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, việc thay đổi thời gian điều hành không quan trọng bằng việc phải bao quát được tình trạng giá lỗ do tồn kho.
Qua nghiên cứu chính sách và thực tiễn, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, về lâu dài, cần để giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường, phản ánh đúng giá thực tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu quốc gia để khi thị trường khó khăn sẽ có nguồn cung bơm ra thị trường. Với mục tiêu trước mắt, khi mà giá xăng dầu vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước, cần phải thành lập một hội đồng gồm tất cả các bên bán lẻ, nhà khoa học, cơ quan quản lý để cùng xây dựng một công thức giá.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng cho rằng, cần rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.
Liên quan đến vấn đề chiết khấu cho DN bán lẻ, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho rằng, quan điểm của cơ quan quản lý là nếu các DN tự thoả thuận được thì cơ quan quản lý không can thiệp và việc DN bán lẻ đề xuất mức chiết khấu bán lẻ cố định trong giá cơ sở 5-6% thì cũng phải chứng minh cơ sở đề xuất là hợp lý.
Vì vậy, Thường trực Tổ biên tập đề xuất Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các DN chủ động đàm phán.
Phương án này giúp bảo đảm sự chủ động trong mối quan hệ kinh tế giữa các DN kinh doanh xăng dầu trên thị trường; không làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng khi kinh doanh gặp khó khăn, các đại lý sẽ tiếp tục kiến nghị về quyền lợi của họ (bất chấp việc các đơn vị cấp hàng đang bị lỗ).
Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích cho khâu bán lẻ, Thường trực Tổ biên tập đề xuất thêm Phương án 2 là quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu, nhưng điều này sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng dầu giữa các DN./.
Việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần phù hợp với bối cảnh thế giới, tình hình kinh tế - xã hội trong nước, sát với các biến động thị trường, đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước nhưng vẫn tạo động lực và điều kiện cho DN phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, DN.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông