Thông điệp “Nhà ở phải có người ở”…!

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:06, 31/03/2023

(BKTO) - “Nhà ở phải có người ở” là thông điệp mới mang tính nguyên tắc theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
bds(1).jpg
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, trì trệ. Ảnh minh họa

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết này trong bối cảnh thị trường bất động sản nước ta đang gặp nhiều khó khăn, trì trệ. Nổi bật là tình trạng mất cân đối cả dòng hàng (quá tập trung dòng bất động sản thương mại trung và cao cấp) và dòng tiền (quá tập trung vào vốn tín dụng ngân hàng); nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản trong khi nằm trên đống tài sản lớn, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, dừng hoặc không triển khai các dự án mới.

Trên phạm vi cả nước kéo dài một nghịch lý thị trường và xã hội là: Hàng loạt căn hộ, chung cư cao cấp, nhà nghỉ dưỡng bị tồn kho không có người mua, nhà bỏ hoang không có người ở và hàng trăm dự án thương mại dở dang "trơ gan cùng tuế nguyệt", trong khi hàng triệu người cháy bỏng khát vọng sở hữu hay được thuê, thuê mua căn nhà ở xã hội, một nơi cư trú ổn định thuận tiện để an cư lạc nghiệp...!

Nhận diện đúng bản chất vấn đề trên, Nghị quyết đã xác lập một trong các quan điểm nổi bật cho quá trình phục hồi và phát triển thị trường bất động sản hiện nay là: Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, “nhà ở phải có người ở”, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội...

Với tinh thần đó, về thể chế, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi); xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản; các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; chủ động chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, Nghị quyết chỉ rõ: Không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán dành cho bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, chắc chắn, với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; có cơ chế hợp lý huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn, nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như: Nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Đặc biệt, Nghị quyết đề nghị triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

Với thông điệp “nhà ở phải có người ở”, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã “bắt đúng mạch”, xác định được những điểm nghẽn cần khơi thông và tạo nhiều kỳ vọng đột phá mới cho phục hồi và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới./.

TS. NGUYỄN MINH PHONG