Bố trí vốn đối ứng cao tốc Bến Lức - Long Thành, thể chế hóa Nghị quyết 30/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
Kinh tế - Ngày đăng : 16:47, 31/03/2023
Thể chế hóa Nghị quyết 30/NQ-CP thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 179/CĐ-TTg về việc thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh nhất là tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế; trên cơ sở thống nhất của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Y tế: Tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa Nghị quyết số 30. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Hoàn thành trước ngày 10/4.
Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành các văn bản cần thiết khác thuộc thẩm quyền.
Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ ban hành các văn bản trên.
Bố trí vốn đối ứng Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất chủ trương Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án) như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất (trong đó có số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành Dự án).
VEC cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai Dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.
Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 308/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền: Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong năm 2022-2023; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong năm 2023…
Bộ Tài chính có nhiệm vụ trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan…
Bộ Công Thương có nhiệm vụ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2030, trình cấp có thẩm quyền trong thời hạn năm 2023-2025….
Thực hiện cơ chế đặc thù đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi kinh tế
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2038/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, chủ động triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ khi có đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng lưu ý trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn cam kết không kinh doanh hàng giả
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động TMĐT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình...
Đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Mục tiêu cụ thể tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 của Khánh Hòa đạt 8,3%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng; tăng trưởng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,0%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%; tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách...
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Khánh Hòa sẽ phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.
Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tăng cường chuyển đối số, tham gia hiệu quả vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế số./.