Hoàn thiện thể chế về quản lý, điều hành chung các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đối nội - Ngày đăng : 07:46, 01/04/2023
Tại cuộc làm việc, báo cáo tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua 100.000 tỷ đồng (vốn trong nước) kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua bổ sung 2.050 tỷ đồng (88,6 triệu USD vốn nước ngoài) kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH và Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ giao 101.605,593 tỷ đồng (đạt 99,56% kế hoạch) vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định.
Đối với vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ đã tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Tại cuộc làm việc, Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, đến thời điểm báo cáo, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giữa trung ương, các Bộ, ngành nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ về nội dung, hướng dẫn thực hiện, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, còn một số nội dung hướng dẫn thực hiện dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp với đặc thù của địa phương; cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng chưa rõ ràng, chưa có quy định tạo điều kiện cho các địa phương được cân đối ngân sách…
Trong tổ chức thực hiện cơ chế quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Việc đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải ngân dự toán, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hàng tháng về các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa đầy đủ, mới hoàn thiện được dữ liệu tổng hợp kết quả giải ngân đối với vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, chưa có dữ liệu phản ánh kết quả giải ngân kinh phí thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước của 03 Chương trình; chưa đánh giá được kết quả thực hiện các nội dung hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Các đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hoàn thiện thể chế về quản lý, điều hành chung các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về cơ chế phối hợp trong xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động thực hiện tốt vai trò thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thu thập dữ liệu, đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để có báo cáo hoàn thiện, toàn diện và đầy đủ.
Đồng thời, Bộ cần chủ động phối hợp chặt chẽ, thực hiện chế độ báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội, phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong thực hiện các kế hoạch kiểm toán, thanh tra chuyên đề về chương trình mục tiêu quốc gia.