Chú trọng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi thực hiện kiểm toán dự án đầu tư

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:45, 03/04/2023

Trong giai đoạn trung hạn 2023-2025, cùng với các nhiệm vụ kiểm toán quan trọng nhằm phục vụ yêu cầu giám sát của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ đẩy mạnh thực hiện kiểm toán các dự án đầu tư trọng điểm của đất nước. Để nâng cao chất lượng kiểm toán, các đơn vị kiểm toán phải triệt để vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán, coi đây là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện kiểm toán.
untitled.jpg
Tập trung đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi thực hiện kiểm toán dự án đầu tư. Ảnh tư liệu

Còn nhiều thách thức

Theo KTNN chuyên ngành IV, các dự án đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ngày càng được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là các dự án thuộc nhóm A. Môi trường kiểm soát về cơ bản tốt, với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và được trang bị hệ thống máy móc, phần mềm phục vụ công tác quản lý dự án. Hơn nữa, tại một số dự án được áp dụng nhiều công nghệ thi công mới, vật tư, trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại mà kiểm toán viên (KTV) chưa có điều kiện tiếp cận để nắm bắt đầy đủ. Ngoài ra, số lượng văn bản quản lý về lĩnh vực này rất lớn và thường xuyên thay đổi, điều chỉnh theo từng thời kỳ. Đây thực sự là những khó khăn và thách thức rất lớn đối với đội ngũ KTV trong quá trình kiểm toán, đòi hỏi cần phải có cách thức tổ chức kiểm toán phù hợp, trong đó cần đặc biệt chú trọng áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, từ đó giúp KTV xác định đúng trọng tâm cần kiểm toán.

Theo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro và xác định trọng yếu là xu thế kiểm toán tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phương pháp này giúp KTV đạt được mức độ hiểu biết tương đối đầy đủ về đơn vị được kiểm toán, giúp đảm bảo xác định mẫu chọn với tính đại diện cho tổng thể phù hợp. “KTNN đang chú trọng áp dụng tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu khi tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán môi trường, đầu tư xây dựng… và đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán” - lãnh đạo Vụ cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của các đơn vị kiểm toán, do đây là phương pháp kiểm toán còn mới, khó nên việc áp dụng khó tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu còn chưa được quan tâm đúng mức; thiếu tính kết nối giữa khâu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, rủi ro kiểm toán với xác định trọng yếu kiểm toán và chọn mẫu kiểm toán nên nhiều kế hoạch kiểm toán tổng quát chưa thể hiện được đặc điểm và rủi ro khác biệt của từng cuộc kiểm toán. Việc lấy mẫu kiểm toán của KTV trong kiểm toán chi tiết chủ yếu trên cơ sở kinh nghiệm, chưa căn cứ kết quả đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán…

Nhằm giải quyết những thách thức này, KTNN đã ban hành hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán khi thực hiện kiểm toán lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư. Việc tuân thủ áp dụng hướng dẫn giúp KTV vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp, hạn chế rủi ro khi thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư.

Nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp kiểm toán mới

Theo các đơn vị kiểm toán, việc thống nhất trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện kiểm toán khi áp dụng phương pháp kiểm toán mới, khó là cần thiết nhằm giúp cho KTV thuận lợi trong quá trình kiểm toán, cũng như làm cơ sở cho việc kiểm soát chất lượng kiểm toán, giúp giảm bớt rủi ro, thiếu sót trong quá trình kiểm toán.

Qua thực tiễn kiểm soát chất lượng kiểm toán, đại diện Phòng Đầu tư dự án (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) cho rằng, để đạt được hiệu quả cao nhất, đơn vị kiểm toán cần chú ý vận dụng phương pháp dựa trên đánh giá rủi ro ngay từ quá trình lựa chọn đầu mối kiểm toán để lập kế hoạch kiểm toán năm. Theo đó, cần căn cứ vào thông tin lưu trữ trên hệ thống của KTNN và các thông tin thu thập bổ sung để đánh giá đúng các loại rủi ro, xác định được các vấn đề trọng yếu kiểm toán. Từ đó mới tiến hành xem xét, lựa chọn các đơn vị cần được kiểm toán, nhằm đảm bảo quá trình kiểm toán tập trung vào các trọng yếu đã xác định, phù hợp với các rủi ro đã được đánh giá.

Nhấn mạnh yêu cầu bám sát và thực hiện đầy đủ các nội dung trọng yếu đã được xác định, ông Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Kiểm toán đầu tư - dự án (KTNN khu vực V) - cho biết, đảm bảo thực hiện tốt điều này sẽ giúp đoàn kiểm toán đi đúng trọng tâm, từ đó giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kiểm toán, đặc biệt là với lĩnh vực xây dựng. “Không chỉ dựa trên số liệu báo cáo, KTV còn phải quan sát hiện trường trước khi đưa ra đánh giá, do đó, việc bám sát các trọng yếu, rủi ro được đánh giá sẽ giúp KTV tránh bị lạc hướng” - ông Hùng cho biết.

Lưu ý hoạt động kiểm soát càng trở nên cần thiết đối với cuộc kiểm toán có áp dụng phương pháp kiểm toán mới, các ý kiến cũng cho rằng, các tổ kiểm soát cần phải nắm vững phương pháp kiểm toán và các bước tiến hành kiểm soát theo đúng hướng dẫn. Đặc biệt, bộ phận kiểm soát cần có sự trao đổi, xem xét một cách thấu đáo với đoàn kiểm toán để cùng đi đến thống nhất nhằm đảm bảo xét đoán của KTV phù hợp với phương pháp, kỹ thuật được hướng dẫn, hạn chế tối đa rủi ro, cũng như loại trừ các sai sót trong báo cáo kiểm toán.

Bên cạnh đó, do đặc thù các dự án đòi hỏi KTV ngoài có kiến thức về kinh tế, kế toán, cần phải am hiểu về lĩnh vực xây dựng, do đó, KTNN cần thường xuyên đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho KTV gắn với việc vận dụng phương pháp kiểm toán mới để KTV có thể vận dụng một cách thuần thục. “Các đơn vị kiểm toán cần tăng cường tập huấn cách thức kiểm toán theo hướng dẫn, định kỳ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó lan tỏa cách làm hay trong toàn Ngành” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Anh Tuấn cho biết./.

Đối với bất cứ cuộc kiểm toán nào, đặc biệt là các cuộc kiểm toán có sử dụng phương pháp kiểm toán mới, lĩnh vực kiểm toán phức tạp, Kiểm toán trưởng cần phải tăng cường kiểm tra trực tiếp tại đoàn kiểm toán để cho ý kiến chỉ đạo và giúp đoàn kiểm toán tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như cách thức vận dụng phương pháp kiểm toán mới; hoặc qua đó có thể phát hiện cách làm hay cần được phổ biến, nhân rộng kịp thời.

 -Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải -

N.LỘC