Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đề ra 6 chiến lược ưu tiên
Kinh tế - Ngày đăng : 16:53, 03/04/2023
Doanh nghiệp thận trọng dự báo về kết quả sản xuất kinh doanh
Mặc dù mức độ ảnh hưởng năm 2023 được các DN vật liệu xây dựng đánh giá đã giảm nhẹ so với mức 4,8 điểm của năm 2021 nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 4,1 điểm của năm 2020, hay 3,8 điểm của năm 2021 - năm mà phần lớn các hoạt động kinh doanh đều bị đóng băng do tác động của đại dịch.
Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các DN. Vì thế, dự báo về triển vọng kinh doanh của ngành vật liệu xây dựng trong năm 2023 so với năm 2022, đa số các DN đều giữ thái độ thận trọng.
Cụ thể, lĩnh vực xi măng đạt 2,8/5 điểm trong khi gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh được các DN đánh giá ở mức 2,9/5 điểm và lĩnh vực sắt, thép, tôn đạt 3/5 điểm.
Tuy các DN chia sẻ về nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành vật liệu xây dựng trong năm nay, tạo cơ hội đóng góp cho tăng trưởng.
Phần lớn các DN và chuyên gia trong ngành nhận định rằng đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại. Chỉ tính riêng quý I/2023, vốn đầu tư của khu vực nhà nước ước đạt 153 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia, với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế ngay từ đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng từ 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành vật liệu xây dựng.
Tín hiệu tích cực khác, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tiếp tục được đổ vào Việt Nam nhờ sự ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh và sức phát triển lớn tại thị trường nội địa. Trong năm 2022, đây cũng là một nguồn lực quan trọng khi ước tính các dự án đầu tư nước ngoài FDI đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD. Tháng 3/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 4,3 tỷ USD, tăng 2,7 điểm phần trăm so với 02 tháng đầu năm 2023.
Triển vọng khả quan khi sản xuất công nghiệp phục hồi
Các DN ngành vật liệu xây dựng cũng tin tưởng vào tương lai khả quan trong nửa cuối năm 2023 khi sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi trước tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát.
Đặc biệt, các yếu tố liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đóng vai trò rất lớn tới sức bật của các DN vật liệu xây dựng. Các gói tín dụng cho nhà ở xã hội hay việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường bất động sản của Chính phủ sẽ khơi thông những dự án bất động sản triển khai dang dở ở giai đoạn trước, giúp thúc đẩy tăng trưởng hệ sinh thái đi cùng như xây dựng và vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, việc chính sách Zero-Covid được gỡ bỏ và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sắt thép, xi măng lớn nhất của Việt Nam được cho là động lực quan trọng cho thị trường vật liệu xây dựng trong năm nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, các yếu tố nội tại đã giúp DN vật liệu xây dựng vững vàng trong một năm 2022 đầy biến động tiếp tục được kỳ vọng sẽ là trụ cột tăng trưởng chính cho năm 2023.
Trong đó, “Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành” có tỷ lệ DN lựa chọn tăng mạnh nhất so với kết quả khảo sát năm 2022 (tăng lên tới 80%), vươn lên vị trí thứ 02 trong số 05 trụ cột đóng góp vào kết quả hoạt động kinh doanh của DN ngành vật liệu xây dựng. Khảo sát cũng chỉ ra tín hiệu tích cực khi tỷ lệ DN “Có hệ thống và công cụ được tích hợp đầy đủ” tăng lên rõ rệt so với năm trước (từ 27,3% lên 60% tương đương tăng 32,7%), trong khi số DN “Chỉ tích hợp một phần” giảm mạnh từ 72,7% năm 2022 xuống còn 40% trong năm 2023.
Về mức độ ứng dụng công nghệ của các DN ngành vật liệu xây dựng, Hệ thống hoạch định nguồn lực DN (ERP), Nền tảng công nghệ di động, Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data) lần lượt là những công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất trên thang điểm 5.
Không nằm ngoài xu thế số hóa, các DN trong ngành vật liệu xây dựng ngày càng quan tâm hơn tới ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đa số các công nghệ đều có tỷ lệ ứng dụng cao hơn so với năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ DN vật liệu xây dựng sử dụng “Phân tích và khai thác hệ thống khách hàng qua hệ thống Business Intelligence” tăng mạnh từ 0,4 điểm lên 3 điểm.
Mức độ đầu tư cho công nghệ của các DN vật liệu xây dựng tiệm cận mức đầu tư cao (đạt 3,9/5 điểm). Trong một thị trường ngày càng phức tạp, cạnh tranh và đòi hỏi khắt khe như hiện nay, các DN kỳ vọng 02 công nghệ có tiềm năng mang lại hiệu quả đầu tư lớn nhất là “Sử dụng phân tích dữ liệu nâng cao” (70% DN lựa chọn) và “Quy trình robot tự động hóa/lao động kỹ thuật số” (50% DN lựa chọn).
Trên cơ sở đó, chiến lược kinh doanh của các DN vật liệu xây dựng trong ngắn hạn tập trung vào 6 ưu tiên, gồm: Đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ; Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; Mở rộng hoạt động cho tất cả các phân khúc, địa bàn hoạt động; Tăng cường hợp tác đầu tư; Cắt giảm chi phí; Phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới.
Có thể thấy, các chiến lược thúc đẩy số hóa vẫn được DN ưu tiên hàng đầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong cả giai đoạn ngắn và trung hạn. Có tới 5/6 chiến lược trong năm nay tiếp tục được DN lựa chọn là chiến lược chủ đạo trong 03 năm tới và đều có xu hướng gia tăng; ngoại trừ chiến lược “Cắt giảm chi phí” - tuy đang là chiến lược ưu tiên hiện tại nhưng tỷ lệ DN tiếp tục lựa chọn làm chiến lược ưu tiên trong 03 năm tới giảm mạnh từ 44,4% xuống 12,5%.