Cần nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả bom mìn
Xã hội - Ngày đăng : 19:13, 04/04/2023
Ngày 04/4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Họp báo Thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 04/4.
Ngày 04/4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn, với nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp nơi trên thế giới như một lời cam kết của Liên hợp quốc trong các nỗ lực vì một thế giới không bom mìn và tàn dư của chất nổ sau chiến tranh.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, năm 2022, toàn quốc đã khảo sát được diện tích hơn 35.000 ha, rà phá bom mìn được trên 27.000 ha. Trong đó, các tổ chức quốc tế đã khảo sát được gần 7.000 ha, rà phá bom mìn được 4.800 ha; các đơn vị trong nước đã khảo sát được hơn 28.000 ha, rà phá bom mìn được hơn 22.200 ha.
Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) đã phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức hỗ trợ 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP); tham gia các hoạt động về hành động bom mìn của Liên hợp quốc, khu vực ASEAN và các tổ chức quốc tế; ký kết và thúc đẩy các bên thực hiện bản ghi nhớ đã ký trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.
Nhiều dự án liên quan đến rà phá, quản lý rủi ro, khắc phục hậu quả bom mìn tại các địa phương được triển khai theo kế hoạch, đảm bảo an toàn, chất lượng. Việt Nam đã triển khai thu thập và nhập dữ liệu thông tin khắc phục hậu quả bom mìn vào phần mềm quản lý thông tin dữ liệu quốc gia; báo cáo dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu thông tin bom mìn theo quy định...
Ước tính hiện nay, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện cả nước có trên 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine.
Do đó, Việt Nam cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống an toàn cho nhân dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Để tiếp tục khắc phục hậu quả bom mìn, năm 2023, Bộ LĐTBXH sẽ chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, đề xuất Chương trình giai đoạn 2025-2045, định hướng đến 2050; xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước và quốc tế; hoàn chỉnh và trình ban hành Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn.
Bộ LĐTBXH sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 7/2023; nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện và triển khai các dự án hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mình bằng nguồn tài trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ thu thập, nhập dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn vào hệ thống quản lý thông tin quốc gia, duy trì, thực hiện Quy chế Quản lý thông tin bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; báo cáo dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu thông tin bom mìn theo quy định; quản lý chất lượng các dự án điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn…/.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 04/4, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), VNMAC tiếp tục phát động Cuộc thi trực tuyến về cách nhận biết, phòng tránh tai nạn bom mìn trên Trang thông tin điện tử: http://vnmac.gov.vn/. Cuộc thi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam.