Nghịch lý kinh tế quý I/2023

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:12, 06/04/2023

Cuối tháng 3/2023, thị trường chứng khoán đã chính thức công bố hệ thống số liệu kinh tế vĩ mô quý I/2023. Theo đó, tình hình kinh tế quý I/2023 là đáng lo ngại với nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng thấp, thậm chí bất ngờ sụt giảm mạnh.
bai-ong-anh.jpg
Nhiều chỉ tiêu quan trọng trong quý I/2023 tăng thấp, thậm chí bất ngờ sụt giảm mạnh. Ảnh sưu tầm

Kinh tế quý I/2023 bộc lộ một số nghịch lý cần gấp rút xử lý để đảm bảo phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn rình rập, trong đó những nghịch lý nổi bật là:

Thứ nhất, khi tốc độ tăng GDP chỉ có 3,32% - thấp gần mức tăng 3,21% của quý I/2020 khi nền kinh tế chịu cú sốc đầu tiên của Covid-19, mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại đã được dự báo từ giữa năm 2022 khi GDP quý IV/2022 tăng chậm lại với 5,92% sau sự tăng bùng nổ tới 13,67% vào quý III/2022. Với khởi đầu bất lợi như vậy thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 là hết sức khó khăn, đặc biệt kinh tế quý I/2023 tăng trưởng thấp trong điều kiện không chịu cú sốc đáng kể nào từ cả trong và ngoài nước. Vượt qua dấu hiệu suy trầm kinh tế, yêu cầu hàng loạt giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn nhiều những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và cục bộ.

Thứ hai, tình trạng kinh tế khó khăn còn đáng lo ngại hơn nữa khi cả hai động lực tăng trưởng là công nghiệp và xuất khẩu đều suy thoái ngay cả khi không có cú sốc lớn nào trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37% còn IIP cũng giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%. Trong quý I/2023, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% nên không những không đóng góp gì vào tăng trưởng mà còn làm giảm 4,76% thực sự gây bất ngờ khi ngay cả trong giai đoạn chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 với sự gián đoạn của hầu hết các yếu tố sản xuất công nghiệp, cả các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra thì lĩnh vực công nghiệp, trong đó cả công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho sự suy giảm của khu vực dịch vụ do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Thứ ba, ngược với thời kỳ đại dịch, khu vực dịch vụ tăng 6,79% và đóng góp tới 95,91% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023. Đặc biệt, trái với dự báo của WB, khu vực dịch vụ vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế quý I/2023 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng có 5%) và nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 chỉ tăng 2%). Ngoài nguyên nhân du lịch và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phục hồi tốt thì thương mại tăng trưởng cao cùng với vận chuyển hàng hóa khả quan lại mâu thuẫn với khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đối mặt suốt từ nửa cuối năm 2022 đến nay là thị trường đầu ra của sản phẩm hàng hóa dịch vụ, không chỉ thị trường quốc tế mà còn thị trường trong nước.

Thứ tư, một hiện tượng hy hữu chưa từng xảy ra ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất do nguyên nhân trong hay ngoài nước là số doanh nghiệp rời khỏi thị trường hằng tháng lên tới trên 20.000, cao hơn nhiều so với con số tương ứng bình quân mấy năm gần đây. Chính vì vậy, tổng số doanh nghiệp cả nước không những không tăng mà còn sụt giảm và mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 ngày càng trở nên xa vời. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2023 là gần 57.000 doanh nghiệp (giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022), song lại có tới 42.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022) và gần 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%), cùng 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%).

Thứ năm, thị trường quốc tế tiếp tục đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế, dòng hàng hóa bị tác động mạnh bởi các yếu tố địa chính trị, lạm phát cao dai dẳng đi đôi với thắt chặt chính sách lãi suất và thiên tai, dịch bệnh vẫn đang rình rập. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan suốt giai đoạn 2020-2022 lại đột ngột lao dốc vào quý I/2023 và triển vọng không khả quan trong thời gian tới. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 17,4% còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) cũng giảm 10% trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 14,7% (khu vực kinh tế trong nước giảm 13,3% và khu vực FDI giảm 15,4%).

Thứ sáu, đại đa số những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước từ trước đến nay lại bất ngờ tăng trưởng chậm lại, thậm chí thụt lùi. Tăng trưởng GRDP của nhiều tỉnh, thành vốn là trung tâm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, trung tâm xuất khẩu, đồng thời có tốc độ đô thị hóa cao và quy mô dân số cũng như kinh tế lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đều rất thấp trong quý I/2023./.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH