Cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:49, 07/04/2023
Thưa ông, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/5/2023. Xin ông chia sẻ về ý nghĩa của việc ra đời Pháp lệnh đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong bối cảnh hiện nay?
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Pháp lệnh) gồm 5 chương với 21 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Đáng chú ý, 7 nhóm hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) được quy định trong Pháp lệnh, là: Vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ (Điều 8); vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán (Điều 9); vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán (Điều 10); hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán (Điều 11); hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của KTNN (Điều 12); hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán (Điều 13) và hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN (Điều 14).
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và đến 100 triệu đồng đối với tổ chức). Quy định mức phạt tiền được xây dựng phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mức độ răn đe và bảo đảm tính khả thi.
Việc ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện bước tiến quan trọng trên phương diện lập pháp đối với lĩnh vực KTNN. Thực tiễn hoạt động của KTNN những năm qua cho thấy, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, như: Cản trở hoạt động kiểm toán, không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ việc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán…, song những hành vi vi phạm đó chưa bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã làm giảm hiệu lực của hoạt động kiểm toán nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Nhà nước chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời, tạo sự răn đe mạnh mẽ đối với đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuân thủ pháp luật KTNN, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.
Để triển khai kịp thời và phát huy vai trò, hiệu quả của Pháp lệnh trong đời sống, KTNN sẽ triển khai Pháp lệnh này đến công chức, viên chức trong toàn Ngành, các Bộ, ban, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội như thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh, KTNN đã ban hành Kế hoạch số 296/KH-KTNN ngày 27/3/2023 triển khai thi hành Pháp lệnh, trong đó nội dung quan trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh đến công chức, viên chức trong toàn Ngành, các Bộ, ban, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội thông qua các hình thức phù hợp.
Một là, biên soạn tài liệu Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (in và phát theo danh sách công chức tại các đơn vị trực thuộc KTNN; in và phát hành phục vụ một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành).
Hai là, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động của KTNN.
Ba là, tuyên truyền trên Báo kiểm toán, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, Cổng thông tin điện tử của KTNN và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, tổ chức giới thiệu Pháp lệnh đến các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán. Dự kiến, KTNN sẽ tổ chức 3 hội nghị khối Bộ, cơ quan ở trung ương; tổ chức 13 hội nghị khối địa phương (theo nhóm các tỉnh thuộc địa bàn kiểm toán của các KTNN khu vực).
Một yêu cầu rất quan trọng để triển khai Pháp lệnh là KTNN cần rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Xin ông cho biết, nội dung này sẽ được triển khai như thế nào?
Điều 21 Pháp lệnh quy định: “Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thi hành Pháp lệnh này; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành”. Trên cơ sở thẩm quyền được quy định tại Luật KTNN và quy định của pháp luật có liên quan, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở để xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, làm căn cứ cho việc xử phạt.
Nội dung quan trọng này cũng đã được xác định rõ trong Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh của KTNN. Theo đó, các nội dung rà soát bao gồm: Quy định về gửi báo cáo định kỳ; quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; quy định về ký biên bản kiểm toán, chấp hành quyết định kiểm toán; quy định liên quan đến việc mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của KTNN; quy định liên quan đến việc che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Các văn bản cần rà soát gồm: Quyết định số 03/2019/QĐ-KTNN ngày 16/9/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán; Quyết định số 02/2020/QĐ-KTNN ngày 16/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán của KTNN; Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN ngày 19/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN; Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN ngày 24/02/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN; Quyết định số 02/2022/QĐ-KTNN ngày 03/11/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; Quyết định số 01/2023/QĐ-KTNN ngày 10/01/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ ban hành 1 văn bản để sửa đổi, bổ sung các văn bản nêu trên, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/5/2023).
Xin trân trọng cảm ơn ông!