Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó năm 2023

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:51, 07/04/2023

năm 2023, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập cao. Trong bối cảnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.
anh-trang-7.jpg
Quốc hội và Chính phủ đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2021 và 2022). Đặc biệt, xu hướng suy giảm nhiều chỉ số kinh tế quan trọng, như: Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước. Cả nước có gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký, giảm 32,8% vốn đăng ký bình quân và giảm 12,8% về số lao động, giảm 35,8% tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7% và xuất siêu 4,07 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 238,3%; nhập khẩu dịch vụ 5,66 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập siêu dịch vụ là 216 triệu USD.

Ngoài ra, năm 2023, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập cao. Quý I/2023, CPI bình quân tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01%; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 1,61% so với cùng thời điểm năm 2022, tăng 4,03%. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 583.100 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (vốn khu vực nhà nước chiếm 26,2% và tăng 11,5%; khu vực ngoài nhà nước chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 17,4% và giảm 1,1%)...

Trong bối cảnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 84/NQ-CP; Nghị quyết số 42/NQ-CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP; Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán; Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Ngày 03/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023; giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ. Tinh thần chung của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công - tư, chính sách tiền tệ, tài khóa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước. Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ...

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả tốt, như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí). Để bứt phá tăng tốc phát triển kinh tế đất nước và mỗi địa phương trong thời gian tới, cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Từ ngày 03/4, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,3-0,5%/năm sau khi đã giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành (không bao gồm lãi suất tái cấp vốn) từ ngày 15/3. Theo tinh thần Văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi; rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như: Giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ…), đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng… và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Thực tế đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá; chủ động sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở, hạ lãi suất điều hành và một số mức lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản, nới room tín dụng và khuyến khích các tổ chức tín dụng cải thiện mặt bằng lãi suất vay, nhanh chóng giải ngân cho các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện hoặc vay và khả năng trả nợ.

Theo nhiều chủ doanh nghiệp, để đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu thị trường dự kiến sẽ cải thiện từ quý III/2023 thì doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm, với lãi suất không quá 10%/năm.../.

 

TS. NGUYỄN MINH PHONG