Thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Kinh tế - Ngày đăng : 13:47, 07/04/2023
Tỉnh Ninh Bình có bề dày lịch sử, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc; đặc biệt danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới.
Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ phía Nam của đất nước, kết nối giữa phía Bắc Trung bộ với phía Nam Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối lên khu vực Tây Bắc.
Nhờ những thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế, một số chỉ tiêu của tỉnh như kinh tế giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 45%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7%; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông vận tải, truyền tải điện của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc và tiến bộ, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm.
Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được lập còn có thêm những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua, các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là căn cứ để tỉnh Ninh Bình xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc phát triển của tỉnh Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Công nghiệp chưa đi vào chiều sâu chất lượng, hiệu quả; nông nghiệp chưa được chú trọng theo hướng gia tăng về chất lượng và giá trị. Nguồn nhân lực với trình độ, năng suất lao động chưa cao. Tỷ lệ đô thị hóa (24,7%) đạt mức trung bình cả nước. Du lịch chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Do đó, để tỉnh Ninh Bình phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, các chuyên gia của Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời tập trung cho ý kiến về yếu tố điều kiện đặc thù, thực trạng phát triển; những tồn tại, hạn chế cần giải quyết; tính phù hợp của các đề xuất phương án, nhất là trong bối cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh tế đang chuyển dịch (tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về phát thải..).
Cùng với việc phân tích về những điểm mới, đột phá khác biệt của Ninh Bình, các chuyên gia cũng góp ý thêm về kịch bản phát triển; định hướng phát triển và tổ chức không gian trong từng ngành; định hướng phát triển đô thị; khu vực có vai trò động lực giai đoạn 2026-2030 là khu công nghiệp tập trung và khu vực phát triển kinh tế ven biển tại huyện Kim Sơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch theo quy định.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đưa ra mục tiêu tổng quát là phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững, trong đó công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện đại; phát triển kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và gắn với giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình là tỉnh phát triển trung bình khá trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và trở thành một trung tâm du lịch chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao của cả nước.
Dự kiến 05 đột phá phát triển của tỉnh Ninh Bình gồm: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư; Tổ chức hợp lý không gian, phân vùng chức năng; Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử - văn hóa, thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.