Tổ chức thực hiện tốt cuộc kiểm toán đầu tư mua sắm phần mềm công nghệ thông tin

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:38, 07/04/2023

(BKTO) - Kiểm toán chuyên đề: “Đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” là cuộc kiểm toán được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội. Đây là lĩnh vực khó, đòi hòi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia.
quang-canh-1.jpg
Quang cảnh buổi tập huấn Đề cương kiểm toán chuyên đề. Ảnh: Minh Thúy

Chiều 07/4, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tập huấn Đề cương kiểm toán chuyên đề: “Đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” (Đề cương kiểm toán chuyên đề).

Tại buổi tập huấn, TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), KTNN chuyên ngành VII - đã trình bày những nội dung cơ bản của Đề cương kiểm toán chuyên đề. 

Theo đó, Đề cương kiểm toán chuyên đề được Tổng Kiểm toán nhà Ngô Văn Tuấn ký, ban hành ngày 04/4/2023.

Cuộc kiểm toán chuyên đề được KTNN chuyên ngành VII và một số KTNN chuyên ngành, khu vực triển khai thực hiện nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách trong việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT và thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực việc ứng dụng phần mềm CNTT tại đơn vị được kiểm toán.

Qua kiểm toán, KTNN sẽ cung cấp thông tin cho Quốc hội về kinh phí liên quan tới hoạt động đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT và tình hình triển khai ứng dụng phần mềm CNTT trong giai đoạn 2020-2022.

anh-vu.jpg
TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán CNTT, KTNN chuyên ngành VII - trình bày những nội dung cơ bản của
Đề cương kiểm toán chuyên đề.  Ảnh: Minh Thúy

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, cuộc kiểm toán tập trung đánh giá: Việc chấp hành các quy định trong  thực hiện kế hoạch hằng năm về đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT giai đoạn 2020-2022 theo các quy định của pháp luật; việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách, cơ chế giám sát, chế độ báo cáo, thống kê về triển khai các hoạt động đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT theo quy định.

Cuộc kiểm toán cũng sẽ tập trung đánh giá: Việc bố trí, phân bổ kế hoạch vốn và quyết toán vốn đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT; việc sử dụng các nguồn kinh phí (mua sắm thường xuyên, đầu tư dự án….) theo quy định; hiệu quả của việc đầu tư mua sắm phần mềm và thuê dịch vụ CNTT trên cơ sở rà soát tổng thể các hoạt động trong giai đoạn 2020-2022; tính hiệu quả, hiệu lực của việc nâng cấp, sử dụng, bảo trì các phần mềm giai đoạn 2020-2022.

Các đoàn kiểm toán cũng sẽ kiểm toán chi tiết hoạt động đầu tư mua sắm phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư mua sắm phần mềm, thuê dịch vụ CNTT và tính hiệu quả, hiệu lực của hoạt động này; đồng thời kiểm toán chi tiết việc ứng dụng phần mềm CNTT.

Đơn vị được kiểm toán bao gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và 2 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình. 

Phạm vi kiểm toán: Hoạt động đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng phần mềm CNTT giai đoạn 2020-2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

Về phương pháp kiểm toán, Đề cương kiểm toán chuyên đề xác định rõ nguyên tắc lựa chọn dự án/gói thầu kiểm toán chi tiết theo các ưu tiên như sau: Dự án/gói thầu có giá trị lớn ở hạng mục phần mềm, dự án/gói thầu đóng vai trò nghiệp vụ quan trọng đối với đơn vị được kiểm toán, dự án/gói thầu xây dựng để phục vụ nhiều đối tượng sử dụng.

Ngoài ra, cuộc kiểm toán sẽ áp dụng phương pháp kiểm toán tổng hợp, chọn mẫu và một số phương pháp đặc thù của kiểm toán CNTT trong trường hợp có nhân sự thích hợp để triển khai…

Để thực hiện tốt cuộc kiểm toán, Đề cương cũng xác định rõ rủi ro có sai sót trọng yếu đối với các hoạt động đầu tư mua sắm phần mềm, thuê dịch vụ CNTT, ứng dụng phần mềm CNTT và các nhóm tiêu chí chính như sau: Nhóm tiêu chí đánh giá công tác quản trị và quản lý CNTT, Nhóm tiêu chí đánh giá hoạt động đầu tư mua sắm phần mềm CNTT, Nhóm tiêu chí hoạt động thuê dịch vụ CNTT, Nhóm tiêu chí đánh giá việc ứng dụng phần mềm CNTT.

Tại buổi tập huấn, các ý kiến đều đánh giá cao những nội dung của Đề cương và cho rằng, Đề cương đã tiếp thu tối đa các góp ý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, để đảm bảo các tổ, đoàn kiểm toán bám sát mục tiêu, nội dung của Đề cương, đại diện các đơn vị tham gia cuộc kiểm toán đề nghị KTNN chuyên ngành VII - đơn vị chủ trì xây dựng Đề cương - làm rõ hơn một số nội dung nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Cụ thể như làm rõ tiêu chí đánh giá việc bố trí, phân bổ kế hoạch vốn, thực hiện kế hoạch hằng năm về đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ và ứng dụng CNTT; hướng dẫn cụ thể hơn nội dung kiểm toán đánh giá việc lập kế hoạch và tiến hành triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.

Cùng với đó, KTNN chuyên ngành VII cần hướng dẫn thêm một số nội dung kiểm toán chi tiết khác. Đặc biệt, cần xây dựng các khung báo cáo để tạo thuận lợi cho đơn vị chủ trì và các đơn vị tham gia cuộc kiểm toán trong việc báo cáo, tổng hợp kết quả kiểm toán.

anh-cuong.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường mong muốn các đơn vị tham gia sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện tốt cuộc kiểm toán. Ảnh: Minh Thúy

Đại diện cho đơn vị chủ trì xây dựng Đề cương kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường nhấn mạnh đây là cuộc kiểm toán do Quốc hội yêu cầu và là chuyên đề khó. Vì vậy, Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường mong rằng các đơn vị tham gia sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN chuyên ngành VII để tổ chức thực hiện tốt cuộc kiểm toán, đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo KTNN cũng như kỳ vọng của Quốc hội./.

THÀNH ĐỨC