Phát triển kinh tế số để nâng cao sức cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 10:47, 10/04/2023

Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ, với yếu tố con người là trọng tâm chính là định hướng phát triển đúng đắn được Đảng, Nhà nước chú trọng thực hiện. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển kinh tế số (KTS) ở nước ta còn bộc lộ không ít thách thức cần giải quyết để phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực. TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam -đã trao đổi với Báo Kiểm toán để làm rõ thêm về vấn đề này.
e82ca6a0a0657c3b2574.jpg
KTS được coi là một trong những động lực tăng trưởng. Ảnh sưu tầm

Thưa ông, Việt Nam hiện đang chú trọng phát triển KTS. Ông có đánh giá ra sao về tác động của sự chuyển đổi này đến nền kinh tế Việt Nam?

Phát triển KTS được xem là biện pháp tối ưu nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Sự chuyển hướng phát triển kinh tế bền vững của Đảng, Nhà nước ta, với trọng tâm là chuyển đổi số nền kinh tế xuất phát từ vai trò và những đóng góp to lớn mà lĩnh vực này mang lại.

KTS là các hoạt động kinh tế có sử dụng tri thức số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng internet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động. Hiểu một cách đơn giản, KTS là nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ để vận hành, sử dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ mới để ứng dụng phát triển kinh tế, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng của đất nước. Thực tế cho thấy các nước phát triển tăng trưởng nhanh nhờ vào việc chuyển đổi này.

Với những ứng dụng từ công nghệ, chuyển đổi số sẽ có tác động trực tiếp đến việc tăng năng suất lao động, cũng như thay đổi cơ cấu việc làm. Hệ thống dây chuyền sản xuất thông minh sẽ thay cho sức lao động trực tiếp của con người. Những ngành nghề yêu cầu trình độ kỹ thuật cao sẽ ra đời; thay thế các ngành nghề lao động phổ thông, trình độ thấp. Trong khi công nghệ thay đổi nhanh sẽ kéo theo việc chuyển đổi giúp tăng năng suất lao động, cũng như hình thành các ngành nghề mới mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy, cơ cấu việc làm cần phải thay đổi cho phù hợp. Hay nói rộng hơn, KTS chính là động lực cho tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, xuất phát từ việc sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Đây là xu thế phát triển tất yếu và các nước trên thế giới đang hướng tới thực hiện.

Bên cạnh những tiềm năng to lớn, phát triển KTS tại Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức nào, thưa ông?

Tại Việt Nam, KTS được coi là một trong những động lực tăng trưởng, cho phép nước ta đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Năm 2022, KTS của Việt Nam đạt 23 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù tiềm năng và cơ hội là rất lớn, song phát triển KTS tại Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức cần giải quyết.

Thứ nhất, việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách về phát triển KTS còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chuyển đổi số còn chậm. Việc còn khoảng cách trong triển khai xây dựng môi trường số giữa các ngành, địa phương sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển KTS - vốn đòi hỏi cần có môi trường, nền tảng đồng bộ, phù hợp, nhất quán.

Thứ hai, Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, mức độ số hóa của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN; sự kết nối chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan nhà nước còn chưa đồng bộ, đầy đủ. Các doanh nghiệp Việt vẫn dè dặt trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động do chi phí cao... Đây là những rào cản lớn làm chậm xu hướng số hóa nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào với tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng được nâng lên, tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì khoảng cách còn khá xa. Mặt khác, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin. Vấn đề này nếu không sớm được giải quyết thì sẽ trở thành một điểm nghẽn lớn cho phát triển KTS.

Thứ tư, khi nền kinh tế chuyển sang mô hình kỹ thuật số, các mối đe dọa về an ninh mạng sẽ gia tăng, bởi KTS dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu. Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên bị tấn công và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng.

Để thúc đẩy phát triển KTS trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm gì, thưa ông?

Xác định vai trò quan trọng của KTS, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế là “từng bước phát triển KTS, xã hội số”; Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu KTS Việt Nam sẽ đạt 20% GDP vào năm 2025…

Có thể thấy, nhiệm vụ phát triển KTS được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động để phát triển KTS, từ đó giúp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để đạt mục tiêu phát triển KTS đã được đề ra, các ngành chức năng và doanh nghiệp, người dân cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập trong điều kiện KTS. Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển KTS. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền KTS quốc gia.

Thứ hai, hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; đặc biệt là cần nâng cao nhận thức, ý thức của doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận, hình thành thói quen giao dịch trên môi trường số.

Thứ ba, nhân lực chất lượng cao đã và đang là yếu tố “sống còn”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là KTS. Vì vậy, người lao động cần phải chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực, kỹ năng cần thiết để đón đầu các công nghệ mới. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải tạo ra những cơ chế tốt để giúp các doanh nghiệp với nhà trường đào tạo đúng và phù hợp, gần sát nhất với nhu cầu của thị trường.

Thứ tư, cần chú trọng nâng cao nhận thức, hành động về an toàn thông tin. Chính phủ và các tổ chức cần chủ động tạo ra, điều chỉnh các hệ thống để đối phó với những mối đe dọa này, cũng như tăng cường giám sát và phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm công nghệ cao, từ đó giúp bảo vệ hoạt động của Chính phủ và doanh nghiệp, người tham gia vào KTS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

N.LỘC