Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 14:20, 10/04/2023

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
4.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra…

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm áp lực chi phí

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng các Quý tiếp theo và cả năm 2023, đề xuất các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao. Phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Thực hiện các giải pháp miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng).

Khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.

Tiếp tục rà soát, theo dõi, đánh giá Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 của Chính phủ và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để xử lý phù hợp, hiệu quả các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay theo quy định pháp luật.

Nghiên cứu, khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các Bộ, cơ quan hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.

Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo Kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp khung giá mới

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới và theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…

Ngoài ra, Nghị quyết còn nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành, địa phương./.

HỒNG NHUNG