Tăng cường hiệu quả giám sát, quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản

Đối nội - Ngày đăng : 07:41, 11/04/2023

(BKTO) - Chiều 10/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
100420230229-z4252798146700_003b4590f38fb9825c06fa3a9b6296fd.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP).

Tại Dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Vì vậy, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho phép Chính phủ quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Theo đó, quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đồng thời giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong quá trình tác nghiệp và không bỏ lọt hành vi vi phạm, tiến hành xử lý vi phạm thuận lợi và nhanh hơn bởi có các bằng chứng, chứng cứ thuyết phục; tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực thi pháp luật theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Nhằm bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi được UBTVQH cho phép, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Thẩm tra cơ sở pháp lý Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định của Chính phủ; giúp cho công tác này thuận lợi và hiệu quả hơn, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính; góp phần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật về thủy sản…

Nhất trí về sự cần thiết của quy định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, không chỉ các cơ quan của Chính phủ mà Quốc hội đã đề cập nhiều đến vấn đề thẻ vàng khai thác thủy sản của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đời sống sinh kế người dân Việt Nam và tác động đến doanh nghiệp châu Âu.

Do đó, việc tăng cường giám sát quản lý đánh bắt thủy sản không đăng ký, không khai báo vừa là cam kết của Việt Nam, đồng thời thể hiện chính sách phát triển bền vững của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cùng với quá trình xây dựng Nghị định cần tăng cường thêm công tác truyền thông rõ về tác dụng của Nghị định này vừa bảo đảm quản lý, giám sát việc đánh bắt thủy sản không khai báo, không đăng ký; vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện nỗ lực, cố gắng của Việt Nam để tác động với các cơ quan của châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng về lĩnh vực thủy sản.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, tại phiên họp, 100% thành viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi).

UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát để thay thế, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Đ. KHOA