Ủy ban Quản lý vốn yêu cầu khẩn trương làm việc, thống nhất về Đề án tái cơ cấu VTM
Đầu tư - Ngày đăng : 10:32, 16/04/2023
Tại buổi làm việc tìm phương án giải quyết và tháo gỡ các khó khăn cho VTM mới đây, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã báo cáo với lãnh đạo UBQLV về tình hình triển khai công việc sau chuyến công tác của Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh (KISC) đến Việt Nam trong các ngày 20-21/2/2023 và 24/3/2023.
Trong đó có việc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) đã chủ động dự thảo và gửi lấy ý kiến các bên liên doanh và bộ phận đại diện vốn tại VTM để hoàn thiện Dự thảo Biên bản làm việc, trình ký chính thức để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đồng thời, ngày 04/4, trong khuôn khổ chuyến công tác của Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tại Lào Cai, Tổng Giám đốc VNS tiếp tục có buổi làm việc với đại diện của KISC tại VTM để thúc đẩy quá trình hoàn thiện Đề án tái cơ cấu và Phương án khôi phục sản xuất kinh doanh của VTM.
Hiện nay, Đoàn công tác của KISC đang tích cực phối hợp với Ban lãnh đạo VTM để khảo sát, đánh giá hiện trạng kỹ thuật của Nhà máy, hoàn thiện phương án kinh doanh, cũng như làm việc với các cơ quan chức năng tại địa phương.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng, VTM là Dự án có rất nhiều ưu đãi, lợi thế, nhất là về nguồn nguyên liệu, cũng như cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Dự án đã đi ngược hoàn toàn so với kỳ vọng đặt ra. Đến nay, sau hơn 7 năm hoạt động, Công ty mất cân đối tài chính nghiêm trọng và có số lỗ lũy kế lớn.
Trong bối cảnh đó, với mong muốn tạo điều kiện cho VMT hoạt động hiệu quả, Chính phủ Việt Nam và UBQLV đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn cho VTM, trong đó phải kể đến việc thông qua Nghị quyết cho phép khai thác 1 triệu tấn quặng để duy trì sản xuất trong thời gian chờ hoàn thiện và phê duyệt Đề án tái cơ cấu.
Để duy trì hoạt động của VTM, Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các bên liên doanh cần ý thức đầy đủ và sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với sự tồn tại của VTM, cùng tham gia hỗ trợ VTM khôi phục sản xuất kinh doanh trên cơ sở tôn trọng Hợp đồng liên doanh, Giấy phép đầu tư và quy định pháp luật.
Theo đó, các bên liên doanh cần khẩn trương làm việc với nhau để đạt được thống nhất chung về Đề án tái cơ cấu VTM. Đồng thời, cần tận dụng, phát huy tối đa mọi điều kiện thuận lợi của Dự án VTM để khởi động lại hoạt động của Nhà máy Gang thép Lào Cai trong thời gian sớm nhất, đảm bảo hiệu quả.