Kết cấu hạ tầng phải đồng bộ, hiện đại, đi trước và mở ra không gian phát triển mới

Chính trị - Ngày đăng : 11:12, 16/04/2023

(BKTO) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi chủ trì cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, sáng 14/4, tại Hà Nội.
11.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Nghị quyết 13-NQ/TW tập trung phát triển các nhóm hạ tầng: Giao thông, cung cấp điện, thuỷ lợi, đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch.

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, một khối lượng lớn nhiệm vụ về thể chế, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng được hoàn thành, tạo ra diện mạo mới cho phát triển đất nước.

Nhiều chương trình, dự án công trình kết cấu hạ tầng, nhất là trong giao thông, năng lượng, thuỷ lợi, thông tin… được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư để sớm đi vào khai thác, vận hành hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.

Hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư với nhiều cơ sở vật chất của ngành giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa, thể thao… từ Trung ương đến địa phương.

Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những thay đổi vượt bậc, hiện đại hóa một bước, theo hướng đồng bộ, ngày càng khang trang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chung.

Hạ tầng đô thị thay đổi nhanh chóng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM với sự hình thành của các trục hướng tâm, đường vành đai, nút giao lập thể giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, tuyến đường sắt đô thị…

Tuy nhiên, đại diện các Bộ, ngành, địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, công tác cải cách thể chế chưa đồng bộ, chậm ban hành hoặc chưa có chính sách đột phá để huy động các nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn lực từ tài nguyên để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Một số lĩnh vực còn thiếu các quy định về luật, hệ thống pháp luật khác để điều chỉnh như Luật Viễn thông, Luật Quản lý phát triển đô thị… Cơ chế chính sách thì chưa theo kịp thực tiễn, nhất là cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng, hợp tác công tư.

Công tác đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, duy tu sửa chữa các công trình còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình như trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đô thị.

Trong khi đó, cơ chế chính sách thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia kết cấu hạ tầng chưa phát huy tác dụng và hiệu quả.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính kết nối liên vùng và giữa các lĩnh vực làm giảm hiệu quả khai thác, vận hành. Đơn cử, lĩnh vực giao thông chưa đảm bảo kết nối tổ chức vận tải đa phương thức, mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Hạ tầng điện chưa đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện. Hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ, khép kín. Hạ tầng đô thị thì còn thiếu, chất lượng chưa cao. Hạ tầng xã hội vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao. Vấn đề hạ tầng về môi trường chưa được quan tâm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề mới chưa được đề cập trong Nghị quyết 13-NQ/TW như hạ tầng kết nối thông tin, môi trường, huy động nguồn lực xã hội hóa...

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các ý kiến tại cuộc họp đã nhìn nhận tổng quát, đồng bộ về kết quả thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cũng như thay đổi trong nhận thức về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có quan điểm mới, tư duy mới, nhiệm vụ mới để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tích hợp hiện đại, đi trước và mở ra không gian phát triển mới. Trong đó, nguồn lực nhà nước tập trung cho những công trình hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt vốn đầu tư tư.

Cơ chế, chính sách trong phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước về tư duy, tầm nhìn quy hoạch từ tổng quát đến chi tiết, từ kết nối tầm quốc gia, quốc tế đến vùng, địa phương, tích hợp các quy hoạch ngành; đa dạng các hình thức huy động nguồn lực xã hội như đầu tư công quản trị công, đầu tư công quản trị tư; đầu tư tư quản trị công; đầu tư tư quản trị tư… Đồng thời, cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng… đối với các dự án kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó, trong từng lĩnh vực hạ tầng cũng phải xác định điểm đột phá. Phó Thủ tướng lấy ví dụ đối với hạ tầng đô thị, bên cạnh đường bộ cần quan tâm hơn nữa đến đường sắt, đường thuỷ; tập trung đầu tư cho hạ tầng thông tin, viễn thông đang ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển đô thị thông minh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa…; kiến tạo không gian sáng tạo cho hoạt động văn hóa, thông tin báo chí, công nghiệp kinh tế xanh, công nghệ cốt lõi…; có lộ trình phát triển những loại hình hạ tầng mới về thông tin, viễn thông, môi trường, năng lượng tái tạo…/.

HỒNG NHUNG