Tăng đầu tư vào phát triển bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:37, 17/04/2023
Theo Báo cáo Phát triển bền vững từ kết quả khảo sát dành cho CxO 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi xanh” của Deloitte, các lãnh đạo toàn cầu nhận định biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu cho tổ chức của họ trong bối cảnh nhiều biến động xảy ra liên tiếp trên toàn cầu.
Khi được yêu cầu xếp hạng các vấn đề cấp bách nhất đối với tổ chức của họ, nhiều CxO đã xếp hạng biến đổi khí hậu nằm trong nhóm 3 vấn đề hàng đầu và chỉ đứng sau triển vọng kinh tế với tỷ lệ chênh lệch không đáng kể.
CxO lạc quan về chống biến đổi khí hậu dù vẫn có những quan ngại
Phần lớn các CxO tham gia khảo sát cho biết biến đổi khí hậu đã tác động đến tổ chức của họ trong năm qua. Cụ thể, CxO nhận định những vấn đề hàng đầu ảnh hưởng đến công ty của họ là: “tình trạng khan hiếm/chi phí tài nguyên tăng cao” (46%), thay đổi mô hình/sở thích tiêu dùng liên quan đến biến đổi khí hậu” (45%) và “các quy định liên quan đến phát thải” (43%).
Hành trình hướng đến một tương lai phát thải thấp đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ, cần có sự đầu tư từ các doanh nghiệp và cần được thúc đẩy bởi những cải tiến công nghệ, phương pháp tiếp cận sáng tạo. Việc các lãnh đạo nhận định phát triển bền vững là một trong những ưu tiên và tăng đầu tư vào lĩnh vực này để tiên phong dẫn lối hướng đến phát triển bền vững là một tín hiệu đáng mừng.Joe Ucuzoglu - Tổng Giám đốc Deloitte toàn cầu
Bên cạnh đó, khoảng 1/3 CxO cho biết biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất (37%) và sức khỏe tinh thần của nhân viên (32%). 82% CxO cũng cho biết, cá nhân họ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu, trong đó, nhiệt độ khắc nghiệt là vấn đề xảy ra thường xuyên nhất và 62% cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên trong trạng thái quan ngại về tình trạng biến đổi khí hậu.
Mặc dù có những quan ngại nhưng 78% các lãnh đạo vẫn lựa chọn “tương đối” hoặc “cực kỳ” lạc quan rằng thế giới sẽ có những biện pháp cần thiết để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Có tới 84% đồng ý cao với nhận định nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng đồng thời đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã đề ra.
Bà Jennifer Steinmann - Lãnh đạo dịch vụ Quản trị biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Deloitte toàn cầu - cho biết: CxO tin rằng tổ chức của họ và nền kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục phát triển, đồng thời đạt được các mục tiêu về khí hậu và giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Các nhà lãnh đạo cần tăng cường những nỗ lực thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo chuyển đổi công bằng cho tất cả các bên hữu quan.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các bên hữu quan
Theo khảo sát của Deloitte, 68% CxO tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy áp lực ở mức độ tương đối đến cao từ các nhóm: Thành viên Hội đồng quản trị và ban điều hành, cơ quan quản lý và chính phủ, nhóm người tiêu dùng và khách hàng. Các nhóm cũng gặp phải áp lực từ các cổ đông và nhà đầu tư (66%), nhân viên (64%) và cộng đồng xã hội (64%).
Hơn 50% CxO cho biết áp lực từ phía nhân viên đã giúp tổ chức của họ tăng cường thực hiện các hành động thúc đẩy phát triển bền vững trong năm qua; 24% trong số đó cho biết có sự gia tăng “đáng kể”.
Các quy định liên quan đến môi trường và khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ khi 65% CxO cho biết những thay đổi trong quy định liên quan đến môi trường đã định hướng các tổ chức tăng cường thực hiện những hành động chống biến đổi khí hậu trong năm qua.
Tương tự như kết quả báo cáo năm 2022, các CxO cũng chọn “mức độ nhận diện và danh tiếng của thương hiệu”, “sự hài lòng của khách hàng”, “sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của nhân viên” là 3/4 lợi ích hàng đầu mà nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững mang lại. Có thể thấy, CxO nhìn nhận các hành động vì khí hậu là một phương thức mang lại lợi ích cho các bên hữu quan.
Các lợi ích được xếp hạng thấp nhất đều liên quan đến tài chính. Điều này cho thấy CxO tiếp tục gặp khó khăn trong việc xác định các cơ hội tài chính dài hạn của các giải pháp bền vững.
Tích cực hành động chống biến đổi khí hậu
Theo khảo sát, 59% tổ chức sử dụng nhiều nguyên vật liệu bền vững hơn, 59% tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, 50% đào tạo nhân viên về những hành động chống biến đổi khí hậu, 49% đang phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường.
Các tổ chức cũng đang tăng cường nỗ lực thích ứng với tình trạng khí hậu với kết quả 43% hiện đại hóa hoặc di dời các cơ sở hoạt động để tăng khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, 40% mua bảo hiểm trước những rủi ro thời tiết khắc nghiệt, 36% hỗ trợ tài chính cho những nhân viên bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.
Tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao, giám đốc điều hành và ban điều hành doanh nghiệp cũng đang nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp của họ. Các doanh nghiệp có thể ở những mức độ thách thức và có những mối quan ngại khác nhau trên hành trình chống biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn từ nhận thức - “tại sao” sang hành động - “làm thế nào".
Bà Trần Thúy Ngọc - Lãnh đạo phụ trách dịch vụ Quản trị Biến đổi khí hậu & Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam
Tuy nhiên, giống như năm ngoái, các công ty ít có khả năng thực hiện được các hành động chứng minh rằng họ đã lồng ghép những cân nhắc về khí hậu vào văn hóa doanh nghiệp và có được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao để tạo ra những thay đổi thực sự ý nghĩa. 21% CxO cho biết tổ chức của họ không có kế hoạch ràng buộc lương thưởng của lãnh đạo cấp cao với hiệu suất của các hoạt động bền vững và 30% cho biết họ không có kế hoạch thuyết phục chính phủ hỗ trợ các sáng kiến về khí hậu.
Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ tận tâm đối với các nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu của các khu vực kinh tế, chỉ có 29% CxO cho biết họ tin rằng các doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tận tâm “rất cao”. Gần một 1/4 CxO cho biết một trong những rào cản hàng đầu là khó khăn trong việc đo lường tác động đến môi trường và gần 1/5 nhận định chi phí cùng tập trung vào các ưu tiên ngắn hạn là rào cản.
Nhiều tổ chức quan ngại về vấn đề “chuyển đổi công bằng” (just transition) – hướng tới đảm bảo những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được chia sẻ rộng rãi, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan bị thiệt hại về kinh tế - nhưng mức độ quan ngại có sự khác biệt lớn giữa khu vực và quốc gia. Châu Á Thái Bình Dương đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi công bằng trong khi các quốc gia châu Âu và Mỹ ít xem vấn đề này là ưu tiên.
Báo cáo của Deloitte đưa ra một số khuyến nghị để các CxO tham khảo và bắt đầu hành động, bao gồm: Lồng ghép mục tiêu khí hậu vào chiến lược tổng quan và mục đích của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin thông qua việc triển khai những hành động chống biến đổi khí hậu đáng tin cậy, trao quyền cho hội đồng quản trị, khuyến khích các bên liên quan hành động, xem xét cơ hội dài hạn, đầu tư vào công nghệ của hôm nay và mai sau, hợp tác để thúc đẩy thay đổi ở cấp hệ thống./.