Khẩn trương xử lý vướng mắc trong phân bổ, giao vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 22:56, 18/04/2023

(BKTO) - Sáng 18/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan hữu quan về việc phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
180420230930-dsc_2976.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã báo cáo tóm tắt về việc giao, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đợt 4, đợt 5), giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 3), phân bổ vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư vốn 2023 còn lại của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều hành nội dung buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định là 2.870 nghìn tỷ đồng. Đến nay, số vốn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ là hơn 2.440 nghìn tỷ đồng; số vốn còn lại chưa phân bổ là hơn 429.992 tỷ đồng.

Tổng số vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là 176 nghìn tỷ đồng, số đã giao kế hoạch vốn chi tiết là hơn 161,8 nghìn tỷ đồng, số còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 14,1 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, tình trạng vốn còn nhưng chậm phân bổ, chậm giải ngân đang trở thành thách thức với các cơ quan, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Yêu cầu đặt ra là vốn đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được sử dụng có hiệu quả, trong khi đến nay đã là giữa nhiệm kỳ nhưng vẫn còn lượng lớn vốn chưa phân bổ, chưa được sử dụng là thiếu sót cần được các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, thực tế quá trình tổng hợp, báo cáo phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, cân đối vốn ngân sách địa phương, các chỉ tiêu, tiêu chí về đơn giá, kỹ thuật khác nên một số Bộ, địa phương mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án, nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, một số dự án quan trọng cấp bách về giao thông, quốc phòng, lưới điện của các Bộ, địa phương do tính chất phức tạp, đặc thù đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trong tổng số vốn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án đã đủ thủ tục, số vốn bố trí cho dự án quan trọng quốc gia chiếm 31,5%. Ngoài ra, trong phương án phân bổ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội, còn có nguồn lực xử lý những nhiệm vụ quan trọng như: bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án nông nghiệp, các dự án cấp lưới điện ra Côn Đảo, bảo đảm an sinh xã hội, các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm thực hiện cam kết với nhà tài trợ.

Với những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải bố trí vốn nêu trên, trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện mục tiêu về 03 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Đối với nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không được tiếp tục phân bổ sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, ngành y tế sẽ bị áp lực lớn do 25% số vốn của ngành y tế được phân bổ trong đợt này, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tiêu của Chương trình cũng như mục tiêu của Kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị (số vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết nghị trong dự toán NSNN năm 2023).

180420230932-dsc_2980.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thực tế cần xem xét, giải quyết do số vốn còn lại chưa phân bổ, giao chi tiết của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là khá lớn. Những nội dung này vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, có thể cho phép Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nhằm xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc đặt ra trong thực tiễn.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đồng thời đề nghị các cơ quan nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm khi chậm giao vốn, phân bổ vốn vì nếu không có những biện pháp xử lý nghiêm khắc thì tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài.

Trên cơ sở ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Chính phủ, phối hợp rà soát, làm rõ từng mục tiêu các dự án, chương trình, các công trình thực sự cấp bách đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân để báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để quyết định phân bổ nguồn vốn này./.

ĐĂNG KHOA