Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế: Chuyển hướng đúng nhưng cần động lực để mang lại hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 10:59, 20/04/2023
Sự chuyển hướng phù hợp
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: “Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ”. Theo các chuyên gia của ADB, sự chuyển hướng chính sách này là rất quan trọng, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Trên bình diện quốc tế, có thể thấy, Ngân hàng Trung ương các nước đang ở “ngã ba đường” với những ngã rẽ: Chống lạm phát hay đảm bảo an toàn hệ thống. Thực tế, xu hướng đảm bảo an toàn hệ thống thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã được các Ngân hàng Trung ương cân nhắc. Như vậy, Việt Nam hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Ở trong nước, sức ép nội tại cũng như đảm bảo an toàn hệ thống rất lớn. Đến thời điểm này, chỉ số an toàn vốn và báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn rất tích cực. Tuy nhiên, nợ xấu có xu hướng tăng, rủi ro trên thị trường tài chính vẫn còn nhiều. Điểm quan ngại nữa là sức ép tăng trưởng thấp, số lượng các doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, rút khỏi thị trường cao, điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến công ăn, việc làm của nhiều người lao động. Trong khi đó, sức ép lạm phát giảm, tỷ giá giảm dần. Bởi vậy, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng.
Mặt khác, theo các chuyên gia của ADB, trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của một số địa phương rất thấp. “Những cực tăng trưởng của Việt Nam như đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh rất đáng quan ngại, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Để ngăn chặn đà đi xuống của nền kinh tế, khôi phục lại tăng trưởng, việc chuyển hướng chính sách rất quan trọng”, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - khẳng định.
Từ góc nhìn lạm phát, ông Peter Verhoeven - Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD, chuyên gia tài chính, ngân hàng - nhận định: Do lạm phát của Việt Nam không cao so với các quốc gia khác nên Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để hạ lãi suất điều hành, nới lỏng chính sách tiền tệ. Phân tích sâu hơn ở khía cạnh này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cho rằng, áp lực lạm phát vẫn còn do cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy. Tuy nhiên, nhiều yếu tố tích cực sẽ tạo điều kiện kiềm chế lạm phát như: Giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, lãi suất tiếp tục giảm, các biện pháp kiểm soát lạm phát được phối hợp đồng bộ. Dự báo, CPI cả năm 2023 tăng khoảng 4-4,5%. “Do đó, năm nay, chúng ta không quá lo ngại về lạm phát nhưng cũng không quá chủ quan. Dư địa cho điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng sẽ tốt hơn” - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Cần những động lực để mang lại hiệu quả
Như vậy, có thể thấy, việc chuyển hướng sang chính sách hỗ trợ tăng trưởng được Việt Nam tính toán kỹ lưỡng dựa trên bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và tình hình vĩ mô thực tế của đất nước. Để sự chuyển hướng chính này phát huy hiệu quả, theo các chuyên gia của ADB, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công là yêu cầu quan trọng.
“Năm 2023 là một trong những năm có khối lượng đầu tư công rất lớn. Nếu Việt Nam không đạt kế hoạch giải ngân đề ra thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% sẽ khó có thể đạt được”, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia của ADB - nhận định, đồng thời khuyến nghị: Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, ngoài việc thành lập các tổ công tác chuyên trách, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần có bước đột phá hơn nữa, nhất là về mặt quy trình, thủ tục để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, việc giải ngân này cần tập trung vào lĩnh vực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng - những điểm nghẽn trong quý I vừa qua.
Liên quan đến các biện pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông Andrew Jeffries khuyến nghị: Những tắc nghẽn liên quan đến thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư công, nhất là các dự án đường cao tốc cần được giải quyết. Một số vấn đề, nút thắt vẫn rất cần sự quan tâm và động thái xử lý từ phía Chính phủ.
Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Nguyễn Minh Cường, sự chuyển hướng của chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Một biện pháp quan trọng nữa là tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của ADB cũng lưu ý thêm: Cần tiếp tục thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.
Điểm quan trọng nữa theo chuyên gia Nguyễn Minh Cường là cần vực dậy các đầu tàu kinh tế. Đối với TP. Hồ Chí Minh, sự sụt giảm mạnh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã kéo theo nền kinh tế đi xuống. Thứ hai là dịch vụ, đặc biệt là du lịch trong quý I/2023 chưa phục hồi hoàn toàn. Do vậy, cần đẩy mạnh hỗ trợ, đặc biệt là khơi thông dòng vốn tín dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch để hai lĩnh vực này phát huy đúng tiềm năng, tạo thuận lợi cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phục hồi, phát triển./.
Theo ADB, mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.