Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 11:07, 13/04/2023

Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng.
2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25/01/1961. Ảnh: hochiminh.vn

Ngay từ trước khi chưa có Đảng, vào năm 1927, trong “Đường cách mạng”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội ủy viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lệnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì ủy viên hội có quyền phạt”.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm mối quan hệ dân chủ với tập trung. Trong đó, mọi vấn đề của Đảng đều phải được đưa ra dân chủ bàn bạc, thảo luận, nhưng đồng thời phải có kỷ luật, phải có nguyên tắc, khi đa số đã thông qua, thành nghị quyết thì phải nghiêm túc chấp hành. Nguyên tắc này phải được tất cả các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng tuân theo, coi đó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân tích kỹ việc tranh luận, bàn luận cũng như trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên trong thi hành. Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Lê Hồng Phong II, vào tháng 10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân trong thực hiện nghị quyết. Trên Báo Sự thật ngày 23/9/1948, bàn về “Cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”, Người viết: “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”. Người cũng chỉ ra những tác hại của việc xem thường, không thực hiện cá nhân phụ trách. Theo Người: “Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” là như thế.

Thực tế công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cho thấy rõ những tác hại nhiều mặt của “những hành động tự do quá trớn” trong Đảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sức mạnh, uy tín của Đảng.

Cùng với những thành công đã đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế vẫn còn là một khâu yếu với nhiều hạn chế, khuyết điểm. Như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”. Nghị quyết còn chỉ ra cụ thể: “Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến…”.

Trong số nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, có nguyên nhân bắt nguồn từ những hành động “quá trớn” của một số tổ chức đảng và đảng viên. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có những người do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hoặc cố tình hiểu sai, phát ngôn không chính xác, thiếu tính xây dựng. Có những đảng viên cũng tham gia bàn luận, cũng giơ tay biểu quyết tán thành nghị quyết, nhưng khi nghị quyết đã được thông qua thì họ lại nói ngang, thậm chí bàn lùi, tìm cách né, không chịu thực hiện. Đặc biệt nguy hiểm đã có những cán bộ, đảng viên lợi dụng dân chủ, tự do quá trớn, nhân danh “góp ý”, “phê bình” để cố tình xuyên tạc, chống đối đường lối, nghị quyết của Đảng, như Đảng đã xác định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xin nói rõ ngay là với những “ca nặng”, Đảng ta đã kiên trì giáo dục, thuyết phục để họ tự sửa chữa, khắc phục, nhưng đồng thời Đảng cũng đã kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm minh “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” các trường hợp cố tình, ngoan cố. Cần lưu ý là thời gian qua, có xu hướng gia tăng tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai lầm khuyết điểm, vi phạm nên đã chây ỳ, cố tình đưa ra những lý do không thuyết phục để bao biện cho việc không thực hiện các nghị quyết, quyết định của tập thể. Tình trạng này xảy ra với nhiều tổ chức của Đảng, nhất là các chi bộ ở cơ sở. Một số chi bộ đã bộc lộ không ít yếu kém trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng cũng như xử lý thiếu kiên quyết, không kịp thời những đảng viên có tư tưởng bàn lùi, né tránh, lợi dụng dân chủ để thực hiện không nghiêm nghị quyết đã được thông qua. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều nghị quyết, quyết định của tập thể dù đã được thông qua, được ban hành nhưng lại chậm được triển khai, chậm đi vào cuộc sống.

Để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, ngăn chặn, xóa bỏ “những hành động tự do quá trớn” trong Đảng, cần phải có ý chí quyết tâm, các biện pháp tổng hợp, kiên quyết, phù hợp. Quan trọng là cần sự tự giác, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực rèn luyện phấn đấu nói không với các biểu hiện “tự do quá trớn”. Đồng thời, các tổ chức Đảng, nhất là ở cơ sở phải tăng cường kiểm tra giám sát, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, xử lý nghiêm minh, kiên quyết với những trường hợp cố tình vi phạm, không chịu sửa chữa khắc phục. Những năm gần đây, Đảng đã ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm rất cụ thể, chặt chẽ được dư luận trong và ngoài Đảng đồng tình ủng hộ. Tại Điều 1 của Quy định nêu rõ đảng viên không được: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Quy định yêu cầu: “Các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định và định kỳ hằng năm báo cáo với cấp ủy cấp trên tình hình thực hiện Quy định qua Ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên” và xác định: “Đảng viên vi phạm Quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Chấp hành nghiêm chỉnh Quy định về những điều đảng viên không được làm chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải cấm chỉ những hành động quá trớn” trong Đảng, góp phần để Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường!./.

CÔNG MINH