Làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong thu hồi đất
Pháp luật - Ngày đăng : 11:10, 14/04/2023
Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất
Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mới đây, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) chỉ rõ, khoản 10 Điều 14 Dự thảo Luật quy định: “Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai, điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi”.
Theo đại biểu, quy định như vậy là rất phù hợp, song pháp luật đất đai hiện hành lại chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, tại các dự án thu hồi đất dưới dạng tuyến luôn tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời.
“Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án do bị di dời, trong khi đó, giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di chuyển” - đại biểu băn khoăn và đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, hiện nay, chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải là đất ở sang đất ở là rất lớn, nhất là đất khu vực đô thị, có nơi chênh lệch tới hàng chục triệu đồng một mét vuông. Phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản được hưởng, nó trả lời cho câu hỏi hầu hết các “đại gia” đều từ bất động sản và nhà thầu. “Sửa đổi Luật Đất đai lần này có phân phối lại một phần lợi tức, tức là địa tô cho toàn dân theo Hiến pháp hay không? Đất đai là sở hữu toàn dân, sửa đổi Luật có thu lại được địa tô này để phân phối lại không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy quy định trong Luật” - đại biểu nêu vấn đề.
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cũng có chung nhận xét, thực tế cho thấy, khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển đô thị, thương mại dịch vụ… đã làm cho giá đất tại các khu vực xung quanh tăng lên rất cao nhưng lại chưa điều tiết được phần lớn giá trị tăng thêm đối với đối tượng này nhằm đạt mục tiêu quy định của Luật.
Theo đại biểu, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, họ quy hoạch và mở rộng phạm vi thu hồi rồi tổ chức đấu giá diện tích đất khu vực mở rộng, qua đó sử dụng phần giá trị chênh lệch tăng thêm do đấu giá để thực hiện mục tiêu điều tiết. “Nếu làm được việc này sẽ rất tích cực, không chỉ làm tăng thu ngân sách và sử dụng để điều tiết nguồn thu từ đất mà còn tạo môi trường minh bạch, đem lại công bằng cho những người dân phải di dời, tạo cho đô thị một bộ mặt văn minh, hiện đại, thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời giúp dễ định hướng, định hình được loại hình sản xuất kinh doanh cho khu vực liền kề sau thu hồi” - đại biểu Nam phân tích và đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các giải pháp tổ chức thực hiện tạo lập và sử dụng nguồn điều tiết.
Cần quy trình cụ thể về bồi thường, tái định cư
Bên cạnh vấn đề phân chia chênh lệch địa tô, việc bảo đảm đời sống của người dân khi bị thu hồi đất cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP. Đà Nẵng) nhận xét, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Cơ quan soạn thảo đã hết sức cầu thị và có trách nhiệm tiếp thu, bổ sung làm rõ định lượng, cụ thể hóa chủ trương hết sức nhân văn và đúng đắn, đó là đảm bảo cho người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở mới, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, để chủ trương trên thực sự đạt hiệu quả khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất những phát sinh khó khăn, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định cụ thể khác, đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn”.
Quan điểm là phải tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, tức là trong từng dự án phát triển, nếu là dự án thương mại, nhà ở… thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận. Không có lý gì chúng ta làm một dự án phát triển mà lại không để cho những người dân có đất ở đấy bao nhiêu năm không được thụ hưởng những thành quả của dự án phát triển.Ông Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị cần đưa ra một quy trình cụ thể về bố trí tái định cư cho người bị thu hồi, chuyển đổi đất, từ lúc lập báo cáo tái định cư cho đến lúc người dân được nhận tiền đền bù, công tác giám sát… để khẳng định là người dân có cuộc sống tốt hơn. Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất, khu tái định cư phải đảm bảo hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ phù hợp và đặc biệt là người tái định cư được quyền chọn chỗ ở. Đặc biệt, trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất nhất thiết phải có khu tái định cư để người dân có nhà ở.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, phải xác định thời gian thực hiện việc bồi thường và tái định cư để tránh khiếu kiện phức tạp. Theo đó, khi đã xác định được thời gian bồi thường, nếu quá thời gian đó thì phải đưa vào chế độ tính lãi đặc biệt cho người trao đất. Trong tái định cư cũng phải xác định thời gian cụ thể, phải đảm bảo được tiêu chuẩn về chất lượng nhà ở hay những cơ sở hạ tầng, vấn đề văn hóa, kể cả các vấn đề khác liên quan đến tái định cư…/.