Phát triển công trình xanh hướng tới hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero”

Xã hội - Ngày đăng : 11:15, 14/04/2023

(BKTO) - Ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và có phát thải lớn trong quá trình xây dựng, phát triển các dự án. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi việc đầu tư, xây dựng các dự án, công trình theo hướng xanh hóa sẽ góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
z4279613215193_83ce08ff5988cc28829bcb150aa59dba.jpg
Việt Nam mới có hơn 230 CTX với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng. Ảnh minh họa

Số lượng dự án, công trình xanh còn rất hạn chế

Theo Bộ Xây dựng, công trình xanh (CTX) là công trình xây dựng được thiết kế và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, việc phát triển các CTX ngày càng được các quốc gia trên thế giới chú trọng, đặt ở vị trí ưu tiên trong các chiến lược xây dựng chính sách phát triển đô thị của đất nước. Tại Việt Nam, các CTX xuất hiện đầu tiên vào khoảng giữa những năm 2000. Đến nay, qua hơn 10 năm phát triển, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam mới có hơn 230 CTX với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này là quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động cũng như so với tiềm năng và yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả trong việc phát triển CTX còn hạn chế, chưa được như kỳ vọng, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng - cho rằng, hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích phát triển CTX còn chưa đầy đủ; đặc biệt chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn CTX, nên chưa khuyến khích doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh phát triển CTX.

Bên cạnh đó, các DN còn e ngại việc xây dựng, phát triển các dự án CTX sẽ có chi phí đầu tư cao, vượt trội hơn nhiều so với công trình xây dựng thông thường, làm giảm biên lợi nhuận của DN. Trong khi đó, DN lại chưa nhận thức được một cách đầy đủ, thấu đáo những lợi ích của việc phát triển CTX, từ đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn đầu tư xây dựng, phát triển dự án theo hướng xanh hóa. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu về thiết kế, xây dựng CTX còn hạn chế, cản trở DN phát triển các CTX…

Còn theo ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để thúc đẩy phát triển các CTX đòi hỏi nguồn cung các loại vật liệu xây dựng xanh phải dồi dào, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay, trong khuôn khổ pháp luật cũng còn thiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá vật liệu xây dựng đạt chứng nhận sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN sản xuất vật liệu xây dựng xanh, nên chưa thúc đẩy DN phát triển vật liệu xây dựng xanh. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh đưa vật liệu xây dựng xanh vào sử dụng rộng rãi trong các công trình.

Cần gia tăng cơ chế, khuyến khích phát triển công trình xanh

Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Chính phủ đã quy định rất cụ thể chỉ tiêu đối với từng Bộ, ngành nhằm thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo đó, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 mà Bộ Xây dựng phải đạt được là 74,3 triệu tấn CO2. Trong đó, 3 lĩnh vực của ngành xây dựng phải giảm phát thải khí nhà kính và phải được kiểm kê khí nhà kính bao gồm: Các quá trình công nghiệp; tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; xây dựng các tòa nhà. Do đó, việc triển khai xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình hiện có đạt các tiêu chí của CTX là một trong những trọng tâm quan trọng của ngành xây dựng trong thời gian tới, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero” của Việt Nam.

Từ yêu cầu đó, các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp để thúc đẩy phát triển các dự án, công trình xây dựng của Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng xanh hóa. Theo ông Tống Văn Nga, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức năng lượng liên quan đến việc xây dựng các CTX, công trình tiết kiệm năng lượng, làm cơ sở cho các DN có căn cứ áp dụng trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển các dự án, công trình. Song song với đó, Nhà nước cũng cần gia tăng cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư, phát triển dự án theo hướng xanh hóa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, qua đó tạo nguồn cung các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh phong phú, có chất lượng cao với giá thành hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để DN có thể đưa vào sử dụng rộng rãi trong quá trình thi công, xây dựng các dự án.

Về phía DN, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư, xây dựng các CTX đem lại rất nhiều lợi ích cho DN như: Chi phí vận hành, bảo trì công trình thấp hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, công trình bền vững hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu; đồng thời, môi trường sống xung quanh dự án có chất lượng cao, từ đó hấp dẫn người tiêu dùng hơn… Do đó, các DN cần cân nhắc, chủ động chuyển đổi hoạt động xây dựng, phát triển các dự án, công trình theo hướng xanh hóa để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường./.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận CTX, công trình phát thải carbon thấp. Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mục tiêu đến năm 2050, trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí CTX; 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải carbon thấp.

THIỆN TRẦN