Nỗ lực đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 20/04/2023

(BKTO) - Chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023 diễn ra ngày 18/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Công Thương, đơn vị thuộc Bộ triển khai 5 nội dung trọng tâm.
1.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Ảnh: BCT

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, trong quý I/2023, sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Công Thương.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng tiêu dùng trong nước khá ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt, một số vật tư hàng hóa chiến lược (xăng dầu, điện, than) được đáp ứng đầy đủ.

Chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao, có 48/63 địa phương đạt mức tăng trưởng dương trong quý I/2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng các chỉ tiêu của ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ. Nhiều địa phương tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng dưới 1%, do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn…

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Công Thương, đơn vị thuộc Bộ, thứ nhất, cần tiếp tục làm tốt công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các Bộ, ngành, của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Muốn vậy, cũng cần đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố làm cơ sở cho việc triển khai các dự án lớn của địa phương, của ngành trên địa bàn.

Thứ ba, tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án có thể tạo “cú huých” về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương.

Thứ tư, các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa cho các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển.

Thứ năm, tập trung chấn chỉnh kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hoá thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ trong chỉ đạo điều hành.

Bộ Công Thương sẵn sàng thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ chức trách nhiệm của mình để góp phần tháo gỡ thực chất những khó khăn đối với địa phương, các doanh nghiệp giúp bứt phá khỏi tình trạng trì trệ và khó khăn hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

QUỲNH ANH