Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng còn vướng mắc

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:38, 22/04/2023

(BKTO) - Quá trình giải quyết tranh chấp về tín dụng còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập do khác biệt về nhận thức và cách thức áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.
hoi-thao-tin-dung.jpg
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng lưu ý: Các TCTD phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện công tác xét xử giải quyết tranh chấp các vụ án tín dụng ngân hàng. Ảnh:sbv.gov.vn

Tại Hội thảo “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp tổ chức ngày 21/4, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA - chia sẻ, tranh chấp hợp đồng tín dụng ngày càng phát sinh nhiều, với diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp hợp đồng tín dụng, các tổ chức tín dụng chủ yếu lựa chọn biện pháp tố tụng thông qua tòa án.

Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng đúng pháp luật, kịp thời; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự phối hợp tốt giữa viện kiểm sát và tòa án cũng như giữa kiểm sát viên và thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án.

6 năm qua (từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2022), Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý kiểm sát thi hành án dân sự đối với các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng tổng số 181.034 việc. Chỉ tính riêng năm 2022, thụ lý kiểm sát thi hành án về tín dụng ngân hàng 37.058 việc, tăng 843 việc so với năm 2021. Số việc đã thi hành xong là 6.215 việc (đạt 27,66% trên số có điều kiện, tăng 1.712 việc so với năm 2021). Tỷ lệ thi hành xong năm 2022 so với năm 2021 tăng 7,39% về số vụ việc.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các tổ chức tín dụng hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp về tín dụng tại tòa án liên quan viện kiểm sát còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập do khác biệt về nhận thức và cách thức áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đại diện CLB Pháp chế, NHNN cho biết, hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng gặp phải một số vướng mắc, bất cập liên quan đến: Kiểm tra, giám sát thời hạn giải quyết vụ án, thi hành án; thu thập tài liệu, chứng cứ, giám sát việc thực hiện công khai chứng cứ cho các đương sự; cung cấp, tống đạt văn bản tố tụng; kiểm tra, giám sát quá trình thi hành án; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của tòa án; áp dụng quy định pháp luật khi xác định mức phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng…

Đại diện các ngân hàng cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp, thu hồi nợ thông qua con đường tố tụng, thi hành án. Điển hình là các vướng mắc liên quan đến thủ tục giải quyết vụ án dân sự của tòa án nhân dân các cấp; công tác xét xử vụ án dân sự của tòa án nhân dân các cấp; thời gian giải quyết vụ/xử lý tài sản bị kéo dài…

Trước thực trạng trên, Phó Vụ trưởng Vụ 10 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) Đoàn Văn Thắng cho rằng, NHNN cần tăng cường phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, ký quy chế phối hợp cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, UBND các cấp, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án… trong việc cung cấp thông tin, quản lý chặt chẽ về tình trạng pháp lý đối với tài sản bảo đảm và việc xử lý tài sản bảo đảm.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng lưu ý: Các đơn vị thuộc NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với VNBA nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề, phản ánh và kiến nghị của ngành kiểm sát thời gian tới. Các TCTD phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để tăng cường thực hiện nhiệm vụ của 2 ngành cũng như công tác xét xử giải quyết tranh chấp các vụ án tín dụng ngân hàng, giúp ngành ngân hàng ngày càng phát triển ổn định, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Đảng và Nhà nước phân công./.

THÀNH ĐỨC