Mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động đang dần thành hiện thực
Xã hội - Ngày đăng : 16:05, 29/06/2018
(BKTO) - Sáng 28/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết 21).
Hội nghị nhằm khẳng định và phát huy các thành quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 21 trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị -Ảnh: Đ. Khoa |
Các báo cáo, tham luận tại Hội nghị cho thấy, trong hơn 5 năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết 21. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết được ban hành kịp thời; nội dung tuyên truyền đảm bảo đúng định hướng, bám sát tinh thần Nghị quyết; công tác phối hợp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết được tiến hành hiệu quả… Nghị quyết 21 đã trở thành nền tảng cho mọi chính sách, phương hướng về BHXH, BHYT, góp phần quan trọng đưa mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động dần thành hiện thực.
Cùng với đó, hệ thống chính sách về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT. Nhận thức của các cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên, người dân, người lao động được nâng lên rõ rệt. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đưa chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
Nhận thức của xã hội ngày càng đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT, về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT… Mức độ hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thủ tục đăng ký tham gia và thanh toán các loại hình bảo hiểm từng bước được nâng lên. Số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng, trong đó số người tham gia BHYT đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả trên, các báo cáo tại hội nghị cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 21 như: việc phổ biên, quán triệt Nghị quyết một số nơi chưa sâu rộng, còn hình thức, chưa đến được đối tượng đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT; một số cấp uỷ đảng, chính quyền còn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH hoặc tuyên giáo…
Về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21 trong những năm tiếp theo, các ý kiến, tham luận tại Hội nghị đề xuất tập trung vào các nội dung như: tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền một cách thường xuyên, chủ động và kịp thời; phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi và sự hài lòng của người tham gia; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.
Đ. KHOA