Thể chế hóa các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Pháp luật - Ngày đăng : 21:57, 27/04/2023
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý vào việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; phản biện những nội dung liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tôn giáo…
Theo đó, đối với việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm tên của Chương II: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, MTTQ Việt Nam và công dân đối với đất đai. Đồng thời, cần có những nội dung quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với quản lý và sử dụng đất đai.
Dự thảo Luật cần quy định rõ việc MTTQ tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân về quản lý và sử dụng đất đai. Mặt trận phải giám sát xã hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, của đoàn viên, hội viên, của tổ chức mình.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ ở các khâu trong các trình tự thủ tục đất đai có liên quan đến công dân và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.
Đối với chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tôn giáo, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm mục giải thích đất tôn giáo là gì? Đất tín ngưỡng là gì cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với đó, các điều quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bổ sung “đất tín ngưỡng” trong quy hoạch cấp tỉnh, đất “tín ngưỡng, tôn giáo” trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Luật Đất đai (sửa đổi) cần chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách, cụ thể như: Tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả, tránh lợi dụng chính sách để ôm đất, đầu cơ đất, lãng phí không sử dụng đất.
Liên quan đến việc ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu cũng đề xuất cần bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về đất ở, đất sản xuất được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp (ưu tiên) cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách dân tộc thì không được mua bán, chuyển nhượng, cho thuê; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công khai, minh bạch và có trách nhiệm với đồng bào.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học nhằm khắc phục được những mâu thuẫn của lĩnh vực đất đai thời gian qua. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo phản biện xã hội (lần 2) sẽ được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh Luật Đất đai phù hợp với tình hình thực tế./.