Cần một Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 20:14, 28/04/2023

(BKTO) - Một Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội sẽ tạo nền tảng để tập hợp nhiều cơ quan quốc tế và các bên liên quan lại với nhau. Liên minh này sẽ đặt công bằng xã hội là vấn đề trọng tâm của công cuộc phục hồi toàn cầu, lấy con người làm trung tâm.
giam-doc-ilo.jpg
Theo ông Gilbert F. Houngbo, cần một Liên minh toàn cầu về Công bằng xã hội lấy con người làm trung tâm. Ảnh: ILO

Nhân dịp Quốc tế lao động 1/5, ông Gilbert F. Houngbo - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - đã có bài phát biểu, thể hiện sự tôn vinh đối với những đóng góp của người lao động trên toàn thế giới.

Theo ông Gilbert F. Houngbo, sau ba năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bùng phát, kế đến là lạm phát, xung đột cũng như những cú sốc về nguồn cung lương thực và nhiên liệu, chúng ta thực sự cần điều này. Nhưng những lời hứa về đổi mới được đưa ra trong đại dịch về việc “xây dựng lại tốt hơn” cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đối với đại đa số người lao động trên toàn thế giới”.

Trên toàn cầu, tiền lương thực tế đã giảm, tình trạng nghèo gia tăng, bất bình đẳng dường như nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp không thể chống chọi nổi trước những tác động chất chồng của các sự kiện không lường trước xảy ra gần đây. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động.

Để định hình một thế giới mới ổn định hơn và công bằng hơn, chúng ta phải lựa chọn một con đường khác. Đó là con đường ưu tiên công bằng xã hội. Điều này không chỉ là có thể làm được mà là điều cần thiết phải làm cho một tương lai bền vững và ổn định.

Để làm được điều đó, trước hết, các chính sách và hành động phải lấy con người làm trung tâm, cho phép mọi người mưu cầu cả hạnh phúc vật chất và sự phát triển tinh thần của họ trong điều kiện tự do và nhân phẩm, an ninh kinh tế và cơ hội bình đẳng. Cách tiếp cận này đã được đề xuất và nhất trí sau Thế chiến thứ hai, khi các thành viên quốc tế của ILO ký Tuyên bố Philadelphia năm 1944.

Tài liệu mang tính tầm nhìn này đặt ra các nguyên tắc hướng dẫn cho các hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta rằng không nên chỉ chú trọng tới việc đạt được tốc độ tăng trưởng nhất định hoặc các mục tiêu thống kê khác mà phải giải quyết các nhu cầu và nguyện vọng của con người.

Điều này có nghĩa là tập trung vào giải quyết tình trạng bất bình đẳng, xóa nghèo và an sinh xã hội cốt lõi. Cách hiệu quả nhất để làm điều này là tạo việc làm có chất lượng để mọi người có thể tự nuôi sống bản thân và xây dựng tương lai của chính họ - “Việc làm bền vững cho tất cả mọi người”, đúng như tiêu đề của Mục tiêu Phát triển bền vững 8.

Chúng ta cần giải quyết một cách thực tế những chuyển đổi cấu trúc dài hạn của thời đại; đảm bảo rằng công nghệ mới tạo ra và hỗ trợ việc làm; chủ động đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu và đảm bảo chúng ta mang lại việc làm, đào tạo kỹ năng và hỗ trợ chuyển dịch cần thiết cho người lao động và doanh nghiệp để họ được hưởng lợi từ kỷ nguyên carbon thấp mới; coi những thay đổi về nhân khẩu học là một “phần thưởng” chứ không phải là một vấn đề, cùng với hành động hỗ trợ về kỹ năng, di cư và an sinh xã hội nhằm tạo ra các xã hội gắn kết hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn.

Chúng ta cũng cần đánh giá lại và đổi mới cấu trúc của các hệ thống kinh tế và xã hội của mình để các hệ thống này hỗ trợ sự thay đổi, hướng tới công bằng xã hội, thay vì tiếp tục đẩy chúng ta vào một “vòng lặp tối tăm” của bất bình đẳng và bất ổn.

Chúng ta phải củng cố các thể chế và tổ chức lao động để đối thoại xã hội có hiệu quả và mạnh mẽ; rà soát lại luật pháp và quy định ảnh hưởng đến thế giới việc làm để đảm bảo tính phù hợp, cập nhật và có thể bảo vệ người lao động cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp bền vững.

Để thực hiện tất cả những điều này, chúng ta cần tiếp tục cam kết hợp tác và đoàn kết quốc tế. Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa và tạo ra sự nhất quán về chính sách lớn hơn, đặc biệt là trong hệ thống đa phương như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres - kêu gọi.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần một Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội. Liên minh này sẽ tạo một nền tảng để tập hợp nhiều cơ quan quốc tế và các bên liên quan lại với nhau. Liên minh này sẽ đặt công bằng xã hội là vấn đề trọng tâm của công cuộc phục hồi toàn cầu, để vấn đề này được ưu tiên trong các chính sách và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Liên minh này sẽ đảm bảo tương lai của chúng ta lấy con người làm trung tâm.

“Chúng ta có cơ hội định hình lại thế giới mà chúng ta đang sống về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng ta hãy nắm lấy cơ hội này và tiến lên phía trước để xây dựng các xã hội bình đẳng và có khả năng chống chịu, làm nền tảng cho hòa bình, công bằng xã hội lâu dài" - ông Gilbert F. Houngbo kêu gọi./.

THÀNH ĐỨC