Sẽ có nhiều quy định mới để quản lý và phát triển cụm công nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 08:47, 29/04/2023
Quy định để quản lý cụm công nghiệp khoa học, hiệu quả
Nghị định mới được xây dựng để thay thế cho Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và pháp luật liên quan.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thịnh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định cũng hướng tới việc đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công…
Để hoàn thiện Dự thảo, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, các Bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khắc phục được những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu về quản lý, phát triển cụm công nghiệp một cách khoa học, hiệu quả.
Đề cập đến một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, về chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, Dự thảo đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 là tích hợp 3 nội dung gồm chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trong một quy trình thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Phương án 2 là thực hiện 3 thủ tục này một cách riêng biệt. Trong đó, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư sẽ thực hiện theo pháp luật về đầu tư (trong trường hợp có 1 nhà đầu tư). Trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên thì thủ tục lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo pháp luật đầu tư và pháp luật về đấu thầu. Thủ tục thứ ba là về thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: có trong danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện; có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Phân quyền, phân cấp mạnh cho các địa phương dễ thực hiện
Đáng chú ý, trong trường hợp địa bàn cấp huyện thành lập cụm công nghiệp thứ 3 trở lên thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đã thành lập phải đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 75 ha.
Đối với cụm công nghiệp mà doanh nghiệp, hợp tác xã có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đáp ứng quy định thì UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm theo thang điểm 100. Cụ thể, với tiêu chí: phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tối đa 15 điểm; phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp tối đa 15 điểm; năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã tối đa 30 điểm và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tối đa 40 điểm.
Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã đạt số điểm từ 50 trở lên sẽ được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Trường hợp có từ 2 doanh nghiệp, hợp tác xã trở lên đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm cao nhất.
Góp ý vào Dự thảo Nghị định, một số đại diện của các Sở Công Thương cho rằng, đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và địa bàn khác, sau 5 năm kể từ ngày quy hoạch tỉnh được phê duyệt mà không thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thì UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao cho đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Chia sẻ nhu cầu phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Nam Định rất lớn do tỉnh có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp và đang trong quá trình thực hiện di dời các cơ sở sản xuất tại làng nghề vào các cụm công nghiệp, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định còn cho biết thêm chủ trương của tỉnh là không thu hút đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp, ngoại trừ các dự án trọng điểm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó có 19 cụm công nghiệp thành lập trước năm 2007 và 7 cụm công nghiệp được thành lập theo Nghị định số 66, Nghị định số 68 của Chính phủ. Có 22 cụm công nghiệp của tỉnh đã đi vào hoạt động với diện tích gần 400 ha, thu hút 550 dự án của nhà đầu tư thứ cấp với vốn đăng ký khoảng 7.000 tỷ đồng và vốn thực hiện đã đạt trên 5.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, UBND tỉnh Nam Định đã bổ sung Quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số 59 cụm công nghiệp, tổng diện tích đến năm 2025 khoảng 1.800 ha.
Xuất phát từ thực tiễn, ông Trần Anh Dũng cho rằng, Bộ Công Thương cần nghiên cứu điều kiện mở rộng cụm công nghiệp và nâng tổng quỹ đất chưa cho thuê lên 100 ha thay vì 50 ha như hiện nay nhằm hỗ trợ cho địa phương có được các cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế chuyển giao hạ tầng cụm công nghiệp do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư; về việc huy động vốn để đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương khi góp ý vào Dự thảo Nghị định cũng đề xuất, đối với các tỉnh, thành có diện tích đất cụm công nghiệp lấp đầy cao thì cần có cơ chế mở rộng thêm diện tích và cho phép liên kết các cụm công nghiệp, giao quyền và phân quyền cho địa phương trong việc thực hiện phát triển cụm công nghiệp. Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cũng góp ý, điều kiện mở rộng cụm công nghiệp cần đáp ứng nhu cầu đầu tư thực tế của từng địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, theo Dự thảo Nghị định, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai, các địa phương cần cẩn trọng, rà soát kỹ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đảm bảo tuân thủ Luật Đất đai, cũng như đảm bảo khai thác, sử dụng đất một cách hiệu quả.