“Mở khóa” những giá trị đích thực cho kiểm toán nội bộ

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 09:00, 30/04/2023

(BKTO) - Cách mạng 4.0 đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho kiểm toán nội bộ (KTNB). Vậy, giải pháp nào giúp KTNB ứng phó với các thách thức và “mở khóa” những giá trị đích thực trong hoạt động? Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông Xavier Potier - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Quản lý rủi ro, PwC Việt Nam - xung quanh chủ đề này.
anh-tr20.jpg
Ông Xavier Potier - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Quản lý rủi ro, PwC Việt Nam

Thưa ông, với vai trò một nhà lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm tư vấn và quản lý rủi ro, ông có thể cho biết những vấn đề phổ biến nhất mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt trong hoạt động KTNB?

Môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng phức tạp, nhận thức về quản trị công ty ngày càng cao và kỳ vọng của các bên liên quan ngày càng gia tăng đã đặt ra những thách thức rất lớn cho KTNB.

Qua trao đổi với các đối tác khách hàng, chúng tôi nhận thấy, những vấn đề phổ biến nhất mà bộ phận KTNB tại các DN Việt Nam đang phải đối mặt là làm thế nào để có thể: Cung cấp giá trị và hiểu biết sâu sắc hơn cho Ủy ban Kiểm toán, thu hút và giữ chân nhân tài thuộc thế hệ trẻ kế cận, chuyển đổi số hiệu quả để tích hợp các công nghệ mới nổi với các hoạt động hằng ngày nhằm tái định hình KTNB.

Ông vừa nhắc tới chuyển đổi số để tái định hình KTNB trong DN. Vậy, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, các DN trên thế giới có xu hướng ứng dụng công nghệ vào KTNB như thế nào, thưa ông?

Theo kết quả Khảo sát toàn cầu về quản lý rủi ro năm 2022 của PwC, 65% DN đang tăng chi tiêu chung cho công nghệ quản lý rủi ro; 75% DN đang có kế hoạch tăng chi tiêu cho phân tích dữ liệu, tự động hóa quy trình (74%) và các giải pháp công nghệ hỗ trợ phát hiện và giám sát rủi ro (72%); 38% DN cho rằng chức năng quản lý rủi ro của họ không tích cực tìm kiếm thông tin chuyên sâu bên ngoài để hỗ trợ cho hoạt động đánh giá và giám sát rủi ro.

Kết quả trên cho thấy, các DN trên toàn cầu đang có xu hướng thu thập các thông tin từ hoạt động phân tích dữ liệu. Đây là một cơ hội tốt để KTNB có thể tiên phong trong việc cung cấp thông tin chi tiết dựa trên việc trích xuất và phân tích dữ liệu, đồng thời diễn giải những thông tin hữu ích để đưa ra các giải pháp cụ thể.

Chúng tôi nhận thấy, những chức năng KTNB tiên tiến không chỉ dừng ở việc khai thác dữ liệu hiệu quả mà còn hướng đến việc trình bày và diễn giải chúng để có thể nêu bật các cơ hội nhằm tạo ra hoặc bảo vệ những giá trị cho DN. Việc tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ trong KTNB, quản lý rủi ro, kiểm soát tuân thủ và các nghiệp vụ kinh doanh có những điểm chung. Điều này cho thấy KTNB có thể giúp số hóa hoạt động quản trị và cung cấp các nghiệp vụ đảm bảo trong toàn DN, đồng thời hưởng lợi từ việc chuẩn hóa dữ liệu rủi ro và quy trình tự động hóa.

Với Việt Nam, theo quan sát của ông, việc ứng dụng công nghệ vào KTNB đã được các DN áp dụng ra sao?

KTNB đang dần tích hợp giải pháp công nghệ mới ở nhiều phạm vi khác nhau để tổ chức công việc hiệu quả hơn, cũng như đưa ra các ý kiến tư vấn đảm bảo rằng hoạt động kiểm soát được vận hành hiệu quả trong DN.

Tại Việt Nam, khi nói đến việc áp dụng công nghệ vào KTNB, nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp phù hợp. Một số DN đã sử dụng những phần mềm hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, thực hiện và báo cáo kiểm toán. Tuy vậy, vẫn còn ít DN sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như: Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), ứng dụng phân tích dữ liệu dựa trên AI.

Thực tiễn hoạt động KTNB cho thấy, phương pháp tiếp cận kiểm toán toàn diện có thể thay đổi thông qua phân tích dữ liệu, bao gồm: Hoạt động thiết kế lại các thủ tục đánh giá rủi ro dựa trên dữ liệu, tận dụng phân tích dữ liệu để giám sát hoạt động kiểm soát liên tục, kiểm tra toàn bộ mẫu và cung cấp cho các bên liên quan nhiều thông tin chi tiết hơn trên cơ sở các bảng tổng hợp dữ liệu báo cáo và các báo cáo được thực hiện theo thời gian thực. Một số DN tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai hoạt động này và PwC hân hạnh được hỗ trợ, đồng hành với các đối tác trong suốt chặng đường phát triển.

Vậy, ông có nhận định gì về xu hướng ứng dụng công nghệ vào KTNB tại Việt Nam trong tương lai?

Theo tôi, điều quan trọng, KTNB không chỉ ứng dụng hiệu quả giải pháp công nghệ trong công việc hằng ngày mà phải hiểu rõ cách thức tích hợp công nghệ vào quy trình ra quyết định ở các cấp trong DN. Với tốc độ cập nhật và thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như việc áp dụng chúng trong DN ngày một gia tăng, vấn đề này càng trở thành nhiệm vụ chiến lược của KTNB.

KTNB cho phép các kiểm toán viên (KTV) hiểu và đánh giá các luồng thông tin phức tạp, tính toàn vẹn về dữ liệu, cấu hình hệ thống và báo cáo, từ đó đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Điều này giúp các DN xác định được những quyết định quan trọng, hiểu rõ các rủi ro liên quan, đảm bảo hệ thống và dữ liệu được sử dụng là đáng tin cậy. Việc tích hợp các yếu tố này vào quy trình kiểm toán có sẵn sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề trùng lặp trong hoạt động kiểm toán.

Các xu hướng giải pháp công nghệ cho KTNB bao gồm: RPA; AI; phân tích và trực quan hóa dữ liệu; hệ thống hoạch định tài nguyên DN (ERP), hệ thống quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRC); hoạt động giám sát liên tục và quản lý hoạt động KTNB.

Việt Nam nói chung và chức năng KTNB nói riêng đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn so với các quốc gia khác. Vì thế, KTNB cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi này bằng cách sử dụng nhân sự và phương án thực thi phù hợp.

Theo ông, các KTV nội bộ cần những hành trang nào để có thể áp dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn một cách hiệu quả, góp phần tích cực vào việc tăng cường quản trị rủi ro đối với DN?

“Mở khóa” những giá trị đích thực cho KTNB không chỉ đòi hỏi việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mà hơn bao giờ hết, KTV phải trau dồi và hoàn thiện các kỹ năng mềm.

Ông Xavier Potier

“Mở khóa” những giá trị đích thực cho KTNB đòi hỏi việc ứng dụng các giải pháp công nghệ. Hiện nay, nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng vào KTNB. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi đối với khách hàng trên thế giới và tại Việt Nam, để có thể ứng dụng công nghệ thành công, KTV cần kết hợp với các chuyên gia am hiểu hoạt động kinh doanh, văn hóa, giá trị cốt lõi, chiến lược hoạt động và con người trong DN.

Trong thế giới phẳng ngày nay, việc thiếu hụt kỹ năng về công nghệ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của KTNB. Các KTV cần biết cách áp dụng giải pháp công nghệ để nâng cao năng lực đánh giá rủi ro cho hoạt động KTNB, kiểm tra mẫu và thực hiện phân tích, điều tra, tổng hợp, báo cáo, cũng như hoàn thiện tổng thể quy trình kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

HỒNG NHUNG (thực hiện)