Phục hồi thị trường lao động: Cần đẩy mạnh kết nối cung cầu và phát triển kinh tế
Xã hội - Ngày đăng : 09:09, 01/05/2023
Sự phục hồi chưa đồng đều
Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thông tin từ Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đều cho thấy, trong quý I/2023, thị trường lao động đã có những dấu hiệu phục hồi. Minh chứng là, số lao động trong độ tuổi tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu lao động so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 cũng tăng, đạt 7 triệu đồng/tháng, tăng 640.000 so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tình hình khả quan trên không diễn ra đồng đều ở tất cả mọi vùng, mọi địa phương. Tại các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang - những trung tâm sản xuất công nghiệp, tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, số lao động có việc làm và thu nhập của người lao động đều giảm, trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng.
Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH PouYuen với gần 56.000 lao động đã phải cho 18.000 lao động nghỉ luân phiên vào thứ Bảy hằng tuần. Trong quý I/2023, Công ty này đã không tái ký hợp đồng với khoảng 3.000 lao động và cắt giảm 3.000 lao động do không có đơn hàng. Kết quả khảo sát tình hình lao động của gần 4.000 DN do Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh thực hiện cũng cho thấy, 1.221 DN (chiếm 31,18%) có số lao động giảm, với tổng số giảm là 19.829 người. Các DN giảm lao động tập trung ở các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng…
Trên bình diện cả nước, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, quý I/2023, gần 294.000 người phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, trong đó, đa số ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%). Cũng trong quý I, gần 149.000 lao động bị mất việc, tăng 31.000 người so với quý IV/2022.
Thừa nhận thị trường lao động vẫn còn những hạn chế, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm - nêu rõ: Cùng với sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề, thị trường lao động vẫn có hiện tượng mất cân đối cung cầu cục bộ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nơi DN tìm người không ra, có nơi lại cắt giảm lao động.
Hơn nữa, theo ông Vũ Trọng Bình, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Số lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%). Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó tìm được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong thị trường lao động. Điều này cũng phần nào làm ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cần sự nỗ lực từ nhiều bên
Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dẫn đến những biến động của thị trường lao động. Do vậy, để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh đề nghị các địa phương cần ban hành kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu tìm việc của người lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước thành hệ thống đồng bộ, thống nhất nhằm cung cấp có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Ông Vũ Trọng Bình cho biết thêm: Cục Việc làm sẽ đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện những giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đặc biệt là liên thông thị trường, kết nối cung cầu lao động.
Một giải pháp quan trọng được ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh, muốn thị trường lao động phát triển, kinh tế phải tăng trưởng bởi đây là hai yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cũng từ góc nhìn này, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê - đề xuất: Để thị trường lao động phục hồi bền vững hơn, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Da giày, dệt may, điện - điện tử...
Không chỉ từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, để góp phần ổn định, thúc đẩy thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc Navigos Group - cho rằng, các DN cũng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm ổn định nhằm giữ chân người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao./.
Theo Bộ LĐTBXH, Dự thảo Luật Việc làm 2013 (sửa đổi) sắp tới tập trung vào xây dựng chính sách việc làm một cách chủ động, không chỉ mang tính chất bảo trợ, hỗ trợ. Việc sửa đổi Luật này cần hướng tới có chính sách việc làm cụ thể gắn với từng vùng, phù hợp với quá trình quy hoạch, cơ cấu nền kinh tế. Ví dụ, khu vực Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh việc làm xanh, công nghệ cao, giảm những việc làm về thâm dụng lao động.