Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó năm 2023

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:11, 02/05/2023

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt, trước tình trạng cộng đồng doanh nghiệp nhiều lĩnh vực quan trọng như: May mặc, da giầy, chế biến gỗ và công nghiệp chế tạo đối diện với tình trạng giảm sút đơn hàng, thu hẹp sản xuất và thị phần, trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao..., Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều chính sách và biện pháp liên quan Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ tích cực ch
22.jpg
Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Ảnh sưu tầm

Cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và kỳ vọng nhiều vào tinh thần chung của sự hỗ trợ, đó là thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, đồng hành phục vụ người dân và doanh nghiệp, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh hợp tác công - tư, nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước... Tất cả vì sự phát triển chung của đất nước và ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả tốt, như: Chính sách cho doanh nghiệp hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho vay và giãn hoãn tiến độ, giảm mức thuế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất cần có thêm những hỗ trợ thiết thực và thực chất hơn để giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ trong quản lý nhà nước, vượt qua khó khăn, duy trì hiệu quả sản xuất, lao động, thu nhập và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo động lực mạnh hơn cho sự bứt phá tăng tốc phát triển kinh tế đất nước và mỗi địa phương.

Theo đó, trong thời gian tới, mọi hỗ trợ doanh nghiệp cần coi trọng và tập trung vào một số vấn đề nổi bật sau:

Thứ nhất, tiếp tục miễn, giảm và giãn thời gian đóng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, một số loại phí về bảo hiểm xã hội và công đoàn...

Thứ hai, chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, linh hoạt trong chính sách tiền tệ, sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở phù hợp, hỗ trợ thanh khoản, nới room tín dụng và khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng cải thiện mặt bằng lãi suất vay, nhanh chóng giải ngân cho các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện vay và khả năng trả nợ. Đặc biệt, cần hướng mạnh tới mục tiêu tạo dòng vốn cho vay trung và dài hạn 7-10 năm, với lãi suất không quá 10%/năm để cho doanh nghiệp vay đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu thị trường dự kiến sẽ cải thiện từ quý III/2023.

Việc Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,3-0,5%/năm từ ngày 03/4/2023, sau khi đã giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành (không bao gồm lãi suất tái cấp vốn) từ ngày 15/3/2023 là rất đáng hoan nghênh. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà tại: Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi; tiếp tục rà soát, phân loại dự án đầu tư để có các biện pháp xử lý phù hợp (như: Giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ…), đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tín dụng và các dự án đầu tư đủ điều kiện, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý và củng cố lòng tin phục hồi và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường trong nước, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tăng danh mục và cải thiện điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu sang thị trường: Châu Phi, Mỹ La tinh và Liên minh kinh tế Á - Âu.

Đặc biệt, cần nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng bộ và thực chất; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp. Trước mắt, cần cụ thể hoá và hợp lý hoá hơn nữa trong vấn đề yêu cầu và biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động của doanh nghiệp, không làm phát sinh chi phí... cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh và thuận lợi khơi dậy và phát huy hiệu quả nội lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo và sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin. Đồng thời, tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia và liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để phát triển chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Thứ tư, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, bám sát tình hình và nâng cao bản lĩnh, năng lực phản ứng thị trường, chủ động nắm bắt cơ hội và các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường trên thị trường hiện nay, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất kiểm soát; xây dựng uy tín và bảo vệ giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam. Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc theo hướng quản trị hiện đại, phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, tuân thủ đúng pháp luật, đạo đức và văn hoá kinh doanh.

Thứ năm, cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, Hội Doanh nhân Việt Nam theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần nước ngoài; mở rộng hội viên; nâng cao vai trò không chỉ trong tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, phối hợp với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn trong chủ động nghiên cứu, đánh giá và dự báo thời cơ, thách thức, xu hướng thị trường, công nghệ và yêu cầu phát triển bền vững. Kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; đại diện quyền lợi cho hội viên trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài.

Thực tế thế giới và trong nước cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân càng khoẻ mạnh, thì nền kinh tế và đất nước sẽ càng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.../.

TS. NGUYỄN MINH PHONG