Hoàn thiện cơ chế liên kết “3 bên” để tìm đầu ra cho nông sản

Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 02/07/2018

(BKTO) - Phát triển liên kết giữa DN - hợp tác xã (HTX) - hộ nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đang là yêu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp hiện nay nhằm hạn chế tình trạng nông sản mất giá, dẫn tới đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, để có được sự kết nối nhịp nhàng, cần sự phối hợp giữa các bên liên quan.


Doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa DN - hợp tác xã (HTX) - hộ nông dân được hình thành. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên HTX và nông dân tham gia liên kết.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam Đào Thế Anh cho biết, đến hết năm 2017, cả nước có gần 700 chuỗi liên kết giá trị nông sản an toàn, tuy nhiên, khoảng 50% trong số này hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thêm nữa, việc lựa chọn và tìm kiếm DN đầu tàu, các DN đồng hành với nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất và xây dựng, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với DN còn hạn chế.

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong chuỗi liên kết nông sản an toàn hiện nay, DN đóng vai trò quan trọng, quyết định tới sự thành công của chuỗi. Tuy nhiên, hiện nhiều DN đang ngại đầu tư vào lĩnh vực này vì hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tính chất mùa vụ, chi phí lớn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong điều kiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa đủ mạnh, nhất là khi có tranh chấp xảy ra trong chuỗi liên kết giữa DN và người sản xuất, việc thực thi kết quả phân xử rất khó khăn, bởi chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo “thuận mua vừa bán”.

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia chỉ ra là do thiếu sự áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản trị kinh doanh nên chi phí đầu vào cao mà sản xuất kém hiệu quả, giao dịch hậu thu hoạch (kho chứa, vận chuyển) tốn kém mà chất lượng sản phẩm lại thấp, thiếu thương hiệu và thông tin thị trường.

Sớm ban hành các chính sách hỗ trợ liên kết

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, với thực tế hiện nay, mô hình liên kết giữa DN - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về vốn cho DN, hỗ trợ các HTX về kiến thức quản lý, cũng như kêu gọi sự tham gia của các DN liên kết cùng với các HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, để chuỗi giá trị nông sản song hành với nông dân, thời gian tới, các hiệp hội, ngành hàng cần được cải cách mạnh mẽ hơn để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa DN - HTX và nông dân để các bên có điều kiện áp dụng công nghệ quản trị hiện đại từ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho đến quản lý chuỗi, xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Mặt khác, ngành nông nghiệp phải tập trung, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu theo hướng thúc đẩy sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chế biến, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông sản.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của HTX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, còn phân bổ theo cơ chế “xin - cho”; việc xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng là cần có sự chỉ đạo phát triển chuỗi giá trị, phân công và hợp tác từ DN, Liên minh HTX và các HTX, tổ hợp tác, trong đó tập trung nhất vẫn là HTX nông nghiệp.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ được sửa đổi. Thủ tướng cũng chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để trình Thủ tướng ký ban hành.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 28-6-2018