Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị năm 2012: Vượt qua một năm đầy khó khăn
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:35, 28/01/2016
Năm2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầngđô thị (UDIC) có sự tăng trưởng so với năm 2011. Tổng doanh thu thuần về bán hàngvà cung cấp dịch vụ đạt 2.572,1 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 2011. Tổng lợinhuận trước thuế đạt 275,1 tỷ đồng, tăng 40,5%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuếtrên doanh thu là 10,7% (năm 2011 là 9,4%); tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốnchủ sở hữu là 9% (năm 2011 là 7,3. Số nộp NSNN thực hiện năm 2012 là 185 tỷ đồng.
Vượt qua khó khăn, trong năm 2012 Tổng công ty UDIC vẫn nỗ lực phát triển kinh doanh, nộp NSNN 185 tỷ đồng.Ảnh TS
Kinh doanh tương đối hiệu quả
Kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài chính của Tổng công ty UDIC năm 2012, KTNN nêu rõ Công ty mẹ và 3/4 công ty con đã kinh doanh có lãi. Trong đó, Công ty mẹ lãi 357,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp lãi 20,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội UAC lãi 1,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp và kinh doanh thiết bị Hà Nội lãi 1,3 tỷ đồng. Riêng Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển công trình hạ tầng lỗ 1,1 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh bất động sản trong năm 2012 của Tổng công ty cũng được KTNN xác nhận là có hiệu quả. Doanh thu từ hoạt động này đạt 373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 222 tỷ đồng, bằng 62% tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ. Những dự án của các công ty con đã bán được khá nhiều các căn hộ: Dự án xây dựng nhà ở cao tầng và dịch vụ Cầu Tiên đã bán 62/77 căn hộ; Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp dịch vụ và nhà ở chung cư cao tầng để bán tại ô N04 đã bán 82/514 căn hộ…
Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản bị hạn chế, thị trường kinh doanh bất động sản giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị thua lỗ, nhưng với nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo Tổng công ty và sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với thương hiệu UDIC, Tổng công ty đã ký được nhiều hợp đồng xây lắp và tiêu thụ được hầu hết các sản phẩm hình thành từ các dự án kinh doanh bất động sản. Mảng hoạt động này góp phần làm tăng trưởng doanh thu, thu nhập và lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Tổng công ty cao hơn năm trước tới 79,3 tỷ đồng.
Theo kết quả của KTNN, năm 2012, đơn vị đảm bảo khả năng thanh toán hiện hành và khả năng thanh toán tổng quát, bảo toàn và phát triển được vốn, hệ số bảo toàn đạt 1,39 lần. KTNN ghi nhận tình hình quản lý vốn bằng tiền và quản lý các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Công ty mẹ và các công ty con đã được thực hiện theo quy định. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền ngày 31/12/2012 của Tổng công ty là 235,1 tỷ đồng; số dư các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 202,5 tỷ đồng. Các đơn vị đã lập, luân chuyển chứng từ, mở sổ ghi chép, theo dõi thu chi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, hạch toán lãi tiền gửi vào doanh thu hoạt động tài chính, cuối năm tài chính kiểm kê quỹ và xác nhận số dư với ngân hàng.
Quản lý tài chính chưa chặt chẽ
Theo kết quả kiểm toán, nợ phải trả của Tổng công ty đến 31/12/2012 là 2.429,3 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của Tổng công ty là 1,57 lần, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ của Công ty mẹ là 1,03 lần, phù hợp với quy định của Bộ Tài chính. Qua phân tích số liệu cho thấy Công ty mẹ và 3/4 công ty con được kiểm toán đảm bảo khả năng thanh toán nợ tổng quát và đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Riêng tại Công ty Cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội UAC đảm bảo khả năng thanh toán nợ tổng quát nhưng không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn.
Tuy nhiên, KTNN nêu rõ, trong quản lý và theo dõi các khoản phải thu, quản lý đầu tư tài chính dài hạn của UDIC và các công ty con được kiểm toán còn một số bất cập, hạn chế. Tính đến 31/12/2012, tổng các khoản phải thu ngắn hạn là 1.050 tỷ đồng, chiếm 21,56% tổng tài sản; nợ dài hạn chỉ là 32 triệu đồng. Về cơ bản, các đơn vị đã xây dựng, ban hành quy chế quản lý nợ phải thu, phân công và xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ, mở sổ kế toán tổng hợp và sổ chi tiết theo dõi các khoản phải thu. Cuối năm, các đơn vị đã đối chiếu nợ phải thu tương đối đầy đủ. Nhưng Công ty mẹ vẫn chưa tích cực đôn đốc thu hồi nợ, để một số khoản nợ phát sinh nhiều năm, một số đối tượng nợ là các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đã giải thể. Các khoản tạm ứng, cho vay và lãi phải thu của giám đốc các dự án từ nhiều năm còn tồn đọng lớn.
Cũng tính đến thời hạn trên, Tổng công ty đã đầu tư vào 24 công ty liên kết, liên doanh với số tiền 1.194,5 tỷ đồng. Trong đó, có 17/24 đơn vị kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận và cổ tức được chia năm 2012 là 151,2 tỷ đồng. Còn lại 7/24 đơn vị kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế tới 339,5 tỷ đồng. Một số khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro lớn.
Về quản lý doanh thu, thu nhập, KTNN đánh giá, các đơn vị đã theo dõi, quản lý, hạch toán và kê khai doanh thu, thu nhập, doanh thu bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản hình thành từ dự án phát sinh trong năm theo quy định. Tuy nhiên, Công ty mẹ và các công ty con chưa hạch toán đầy đủ, kịp thời doanh thu của các công trình đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu; Công ty mẹ đã hạch toán doanh thu chưa phù hợp với kết quả thực hiện kiểm tra giá trị kết toán bị cắt giảm; chưa hạch toán lãi tiền gửi dự thu, cũng như chưa loại trừ doanh thu nội bộ. Trong quản lý chi phí, Công ty mẹ đã hạch toán thiếu giá vốn của các công trình nhận thầu đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu…
Trong Báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đề nghị Tổng công ty UDIC và các công ty con được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời những kiến nghị nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại./.
HỒNG THOAN