Nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc
Kinh tế - Ngày đăng : 19:29, 07/05/2023
Xuất khẩu dần khởi sắc trong quý I/2023
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, năm 2022, GDP của Trung Quốc đã đạt trên 135.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với 19.605 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ đạt 23.000 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), nhưng Việt Nam lại luôn nhập siêu từ Trung Quốc - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã thể hiện rõ trong những tháng đầu năm 2023, sau một thời gian dài Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid và mới mở cửa trở lại.
Theo số liệu mà ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cung cấp, trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.
So với 2 tháng đầu năm, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 01/2023 giảm 24,33%, tháng 02/2023 giảm 18,72%). Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.
Dự báo quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục được cải thiện - ông Trần Quang Huy nhận định, bởi nhiều yếu tố thuận lợi sẽ tác động tích cực vào việc khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ quý II cho đến cuối năm.
Phân tích những nguyên nhân góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi nêu rõ, việc Trung Quốc xóa bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch đối với người xuất nhập cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu từ ngày 08/01/2023 đã giúp cho nền kinh tế nước này phục hồi ngay từ quý I với mức tăng trưởng 4,5% - cao hơn nhiều so với mức dự báo chỉ khoảng 4% của các tổ chức quốc tế.
Như vậy, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng rất mạnh trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc đang tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương của hai nước.
Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục ổn định với hiệu suất thông quan cao. Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày đã cơ bản tương đương với giai đoạn trước dịch.
Những thời cơ và thách thức
Nhận diện về những thời cơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dân số của Trung Quốc rất đông, gấp hơn 14 lần dân số Việt Nam và có tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt.
Cùng với đó, Trung Quốc là nước có nhiều tài nguyên khoáng sản, có chung đường biên giới cả trên bộ, trên biển và đường hàng không với Việt Nam, quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam đã được thiết lập, duy trì và phát triển từ rất lâu đời.
Hơn nữa, theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Trung Quốc cũng đã có nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại song phương và đa phương với Việt Nam như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay là thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào cũng được thị trường nước này chấp nhận.
Mặt khác, trong vai trò công xưởng của thế giới, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu vẫn là xuất khẩu. Trong khi đó, diện mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc lại rất tương đồng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này vừa tạo ra lợi thế, vừa tạo ra thách thức đối với hàng hóa Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau chính sách Zero-Covid, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân Trung Quốc rất lớn nên hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý, việc cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam ra các thị trường truyền thống sẽ không dễ dàng. Thêm vào đó, nguyên liệu phục vụ cho các ngành hàng xuất khẩu của nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Do đó, chúng ta cần nhận diện kịp thời và đánh giá đúng về thời cơ, thách thức để có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc - các chuyên gia nhấn mạnh.
Tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó có việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Ông Lương Văn Tài - Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc)
Tháng 3/2023, cửa khẩu Quả Viên Cảng (Trùng Khánh) đã được nghiệm thu đủ điều kiện về kho bãi nhập khẩu lương thực, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua vận tải đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đến Trùng Khánh và kết nối tàu liên vận Trung Quốc - châu Âu đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và tỏa đi các nước châu Âu khác…
Bà Triệu Thúy Nga - Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc)