Thái Nguyên thu hút nhiều dự án FDI ngay từ 4 tháng đầu năm

Địa phương - Ngày đăng : 18:12, 09/05/2023

(BKTO) - Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có 09 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 98,254 triệu USD và 03 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 7,45 triệu USD. Như vậy, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 181 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,5 tỷ USD.
inhthainguyen-1-1666338940281.jpg
Quỹ đất công nghiệp tại Thái Nguyên được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận đất đai của nhà đầu tư. Ảnh sưu tầm.

Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định; lũy kế trong các khu công nghiệp có 274 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 142 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư hơn 10 tỷ USD và 132 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký đầu tư 16.964 tỷ đồng.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư hạ tầng là 5.701 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện ước đạt 2.291 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp hoạt động trên địa bàn đã thu hút được 61 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.024 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 142 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 2.419 tỷ đồng; cấp điều chỉnh thay đổi cho 317 doanh nghiệp, cấp thành lập 69 đơn vị trực thuộc và tạm ngừng hoạt động 71 doanh nghiệp, giải thể 10 doanh nghiệp. Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 337 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 3.885 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi cho 586 doanh nghiệp, cấp thành lập 144 đơn vị trực thuộc, tạm ngừng hoạt động 443 doanh nghiệp, giải thể 28 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 9.159 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 133.128 tỷ đồng.

Để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Thái Nguyên còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; miễn giảm thuế doanh nghiệp mới; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là cơ chế đặc thù riêng có của Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư, Thái Nguyên còn tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.

Cùng với tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Thái Nguyên luôn chủ động trong việc đề ra các giải pháp căn cơ, chiến lược nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tiến tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

KHÁNH LINH