Đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:22, 09/05/2023

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, điểm sáng trong 4 tháng đầu năm nay là cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là vấn đề cần quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp.
090520231152-z4329665821300_1619746cb4ebd7905383cd8f3fca51a3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Phân tích cụ thể những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế

Như tin đã đưa, sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2023.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét, báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng”. Trong khi đó, phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Theo ông, thực ra không phải đến quý I/2023 tăng trưởng mới giảm đột ngột, rơi từ 8,2% xuống 3,32% mà từ cuối quý III, đầu quý IV/2022 đã có xu hướng giảm và đã được nhận định. Đánh giá đúng biểu đồ này thì không cảm thấy đột ngột.

Nêu ra một số tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế như: thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế…, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, một trong nguyên nhân là chậm giải quyết các tồn tại trong xử lý ngân hàng yếu kém, các dự án yếu kém, hiệu quả giải ngân đầu tư công…

“Kinh tế của chúng ta mở nhưng nếu bên trong tốt thì giảm thiểu được tác động bên ngoài. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì doanh nghiệp nói người ta đã dùng những đồng cuối cùng của dự trữ để trang trải cho 2 năm vừa rồi, bây giờ thì không còn gì nữa” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các Bộ, ngành và địa phương.

Đồng tình với nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, suy giảm động lực và tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu rất rõ từ quý III/2022.

“Quý III tăng trưởng 13,7%, sang đến quý IV còn có 5,9%, bắt đầu sang quý I năm nay còn có 3,32%, rơi gần như thẳng đứng. Tới đây, nhiệm vụ là phải đánh giá, dự báo xem đã "xuống đáy" chưa và bắt đầu có chiều hướng đi lên không hay vẫn tiếp tục xuống" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, một số chỉ tiêu giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như: chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về đầu tư, dù nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao; thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thu NSNN giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%. Cán cân thương mại thặng dư nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu chủ yếu là đầu tư nước ngoài; lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân. Các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những con số trên đã nói lên được tất cả, do đó, cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai. Cùng với đó, cũng cần đẩy nhanh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch điện VIII.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn

Phát biểu thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng chỉ ra, việc phục hồi, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết vấn đề đất đai, thủ tục hành chính hiện nay còn rườm rà, công tác cải cách hành chính chưa hiệu quả, có tình trạng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm; các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, lãi suất cao làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh.

Với nhiều khó khăn như vậy, dự báo trong quý II tới, kinh tế nước ta sẽ còn gặp phải nhiều thách thức.

090520231155-z4329681652379_643b9dc307617a073e1855be7d36d623.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ một số nội dung như: cần có kịch bản phản ứng chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu phức tạp khó lường của thực tiễn; nâng cao vai trò của Nhà nước trong dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản; quan tâm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để có thời gian phục hồi, trả nợ, khắc phục nợ xấu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần kịp thời nghiên cứu, sửa đổi điều kiện cho vay sao cho hợp lý hơn; đẩy mạnh khai thác, tận dụng những hiệp định thương mại tự do (FTA); tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tối ưu hóa quy trình các thủ tục hành chính liên ngành.

Ngoài ra, Chính phủ, các Bộ, ngành cần thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.



ĐĂNG KHOA