Nâng cao hiệu quả xử lý sai phạm tài chính trong kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:32, 11/05/2023

(BKTO) - Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam tại Nam Phi do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu, Đoàn công tác đã có các buổi làm việc nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với KTNN Nam Phi, đặc biệt thảo luận về xử lý sai phạm tài chính trong kiểm toán.

Xử lý sai phạm tạo ra những tác động đáng kể

Trong thực tiễn hoạt động kiểm toán tại KTNN, các sai phạm tài chính thường gặp gồm sai phạm về lĩnh vực ngân sách nhà nước (NSNN) gồm thu NSNN, chi NSNN. Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; kiến nghị tăng thu NSNN, giảm thuế được khấu trừ, giảm lỗ các doanh nghiệp…

zz.jpg
KTNN Việt Nam và KTNN Nam Phi trao đổi kinh nghiệm kiểm toán tại Nam Phi. Ảnh sưu tầm

Hoạt động kiểm toán của KTNN đã tạo ra những tác động đáng kể từ việc xử lý sai phạm tài chính. Giá trị pháp lý đối với Báo cáo kiểm toán của KTNN là “bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, kiến nghị của KTNN và việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán của các đơn vị đã mang lại nhiều tác động quan trọng, góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan khác của nhà nước nói chung; góp phần cung cấp thông tin toàn diện sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong môi trường cạnh tranh và hội nhập, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã xác nhận tính trung thực của báo cáo tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn vốn nhà nước. Nhờ đó, góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn, xây dựng hệ thống thông tin tin cậy cho các cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Chia sẻ với các đồng nghiệp tại KTNN Nam Phi trong chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi vừa qua, KTNN Việt Nam cho biết trong những năm qua, hoạt động kiểm toán của Việt Nam liên tục được đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện, mang lại nhiều thành công nổi bật. Trong đó có thể kể đến những thành công lớn bao gồm các cuộc kiểm toán về quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công của các cấp chính quyền địa phương; đánh giá việc điều hành và quản lý ngân sách của địa phương, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân và nâng cao sự minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình trong kiểm toán.

Chia sẻ kinh nghiệm của KTNN trong việc kiến nghị xử lý các sai phạm tài chính trong kiểm toán, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết trong giai đoạn 2018-2022, KTNN đã thực hiện và phát hành 1.352 Báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 148.935 tỷ VND. Riêng năm 2022 kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN khoảng 34.000 tỷ VND, tương ứng 1,4 tỷ USD, bằng khoảng 1,87% quy mô thu, chi NSNN năm 2022. Kết quả thực hiện kiến nghị hàng năm đạt khoảng 75% tổng số kiến nghị xử lý tài chính, riêng năm 2022 trên 80%.

“Bên cạnh kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã tập trung kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn”, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế, xã hội để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và thượng tôn pháp luật” - ông Tuấn nhấn mạnh. Thông qua kiểm toán trong giai đoạn 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ bình quân hàng năm trên 200 văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của nhà nước.

Bà Sangeeta Kallen, Kiểm toán trưởng khu vực tỉnh Western Cape của KTNN Nam Phi bày tỏ ấn tượng khi KTNN Việt Nam rất chú trọng về trách nhiệm giải trình. Bà Sangeeta Kallen chia sẻ trong buổi làm việc với KTNN Việt Nam: “Chúng tôi rất quan tâm đến chế tài xử lý các sai phạm tài chính trong quá trình kiểm toán, đặc biệt trong việc buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm”.

Nâng cao hiệu quả xử lý sai phạm đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan

Hiện nay, việc xử lý sai phạm tài chính trong quá trình kiểm toán của KTNN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý, khó khăn trong việc thu thập và xác định thông tin, trong việc tìm kiếm và đánh giá các bằng chứng, trong việc áp dụng biện pháp xử lý; khó khăn từ phía đơn vị được kiểm toán; trong việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan…

KTNN Nam Phi bày tỏ rất ấn tượng với kết quả KTNN Việt Nam chuyển 23 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 1.228 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Do đó, việc xử lý sai phạm tài chính trong quá trình kiểm toán của KTNN Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan và yêu cầu các kiểm toán viên có kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý các trường hợp phức tạp. Tuy nhiên, các khó khăn và thách thức này cũng đồng thời đòi hỏi KTNN cần phải cải tiến và nâng cao năng lực, đảm bảo tính chính xác và khách quan trong việc xử lý sai phạm tài chính.

Để nâng cao hiệu quả xử lý sai phạm tài chính trong quá trình kiểm toán, KTNN Việt Nam đã vạch ra kế hoạch áp dụng các giải pháp như tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho các kiểm toán viên; thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý sai phạm tài chính; sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kiểm toán; tăng cường thông tin và tuyên truyền về quy trình xử lý sai phạm tài chính; tăng cường và đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả các cuộc kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN./.

Tuệ Lâm