Hai mắt phải tinh tường, không để “một mắt sáng, một mắt mờ”

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 16:00, 11/05/2023

(BKTO) - Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn quan tâm đến vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng. Từ lý luận và hoạt động thực tiễn, Ph. Ăng-ghen đã có công bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trên nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề lý luận cách mạng.
2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03/02/1965. Ảnh sưu tầm

Ph. Ăng-ghen chỉ rõ: Sự khinh thường lý luận là con đường dẫn đến suy nghĩ theo lối tự nhiên, tức là suy nghĩ sai và theo ông “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”. V.I. Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”. Người cũng chỉ rõ vai trò quyết định của Đảng Cộng sản đối với sự thắng lợi của cách mạng vô sản, đồng thời chỉ rõ Đảng phải có lý luận cách mạng “Chỉ có đảng nào có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”.

Trong quá trình sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề hết sức quan trọng là lý luận và thực tiễn. Người cho rằng, giữa kinh nghiệm và lý luận có mối quan hệ hữu cơ, cần thiết như hai mắt của một con người. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tháng 10/1947, Người viết: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Từ chỗ thấy rõ vai trò, vị trí, mối quan hệ chặt chẽ giữa kinh nghiệm và lý luận, Hồ Chí Minh chỉ ra: Không thể coi thường mà phải luôn chú ý xây dựng mối quan hệ hữu cơ giữa kinh nghiệm và lý luận. Theo Người, mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn luôn là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong đó, Người xác định vai trò của kinh nghiệm và lý luận: Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông, còn thực tiễn mà không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Do vậy cần có cả lý luận và thực tiễn. Đồng thời, chú ý xây dựng mối quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn.

Hơn 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, cách làm thiết thực, hiệu quả xây dựng, thực hiện tốt mối quan hệ giữa lý luận với kinh nghiệm thực tiễn. Đảng luôn có chủ trương, biện pháp để tăng cường chất lượng học tập lý luận trong Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII cũng yêu cầu Đảng ta phải: “Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.

Đảng tích cực triển khai việc học tập lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường các hoạt động thực tiễn, bám sát cơ sở với nhiều cách làm phù hợp với từng thời kỳ của cách mạng, như đi vô sản hóa, luân chuyển… Chủ trương: “Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên” được duy trì thường xuyên, chặt chẽ. Nhờ vậy mà Đảng đã thu được những kết quả tốt cả về lý luận và thực tiễn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.

Tuy nhiên, trên thực tế, học tập lý luận kết hợp với hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Đảng ta đã nhận thức rõ vấn đề và quyết tâm sửa chữa khắc phục. Ngày 30/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ những nội dung và biện pháp khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Trong nội dung của Nghị quyết cho thấy: Trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những biểu hiện liên quan đến vấn đề lý luận và thực tiễn. Cụ thể, Nghị quyết chỉ rõ đó là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” và “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Nghị quyết cũng đưa ra nhóm giải pháp khắc phục 27 biểu hiện trên, trong đó có giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Biện pháp thứ nhất được Nghị quyết đề ra là phải: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương” và phải thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giải pháp thứ hai được Nghị quyết xác định là “Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, nhấn mạnh việc: “Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay, khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng” và yêu cầu phải: “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”.

Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc những nội dung trên của Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII, đồng thời kết hợp với sức mạnh tổng hợp của các chủ trương, giải pháp khác trong công tác xây dựng Đảng đã và đang là nguồn động lực, là cơ sở quan trọng để Đảng thành công hơn trong nhiệm vụ giữ vững, tăng cường, phát triển lý luận và thực tiễn cách mạng.

Trách nhiệm, tình cảm với Đảng, với nhân dân đòi hỏi chúng ta cần thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải không ngừng học tập, rèn luyện để có được cả lý luận và thực tiễn, tức là phải có đôi mắt tinh tường, không để mắt sáng, mắt mờ, từ đó có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao./.

CÔNG MINH