Hài hòa mục tiêu trong quản lý nợ công
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:01, 11/05/2023
Theo Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2023 về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2023-2025, năm 2023, Chính phủ vay tối đa 644.409 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 621.015 tỷ đồng (trong đó, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 430.500 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 190.515 tỷ đồng) và vay về cho vay lại khoảng 23.394 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2023-2025, tổng mức vay của Chính phủ tối đa khoảng 1.873.000 tỷ đồng (vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.813.000 tỷ đồng; vay về cho vay lại khoảng 59.000 tỷ đồng); tổng trả nợ của Chính phủ tối đa khoảng 1.098.000 tỷ đồng. Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa là 11.037 tỷ đồng và bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa là 27.851 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 27.198 tỷ đồng; trả nợ của chính quyền địa phương 4.993 tỷ đồng (trả gốc 2.804 tỷ đồng và chi trả lãi 2.189 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tự vay, tự trả tối đa 7.500 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 20% so với dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2022.
Mục tiêu của quản lý nợ công giai đoạn 2023-2025 là đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ, đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí rủi ro phù hợp; đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt...
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015, theo đó, bội chi ngân sách địa phương hằng năm giai đoạn 2023-2025 khoảng 0,3% GDP.
Nợ công là chỉ tiêu tài chính vĩ mô quan trọng, thước đo đánh giá sức khoẻ và sự lành mạnh tài chính quốc gia; đồng thời, phản ánh kết quả kinh doanh, năng lực phản ứng thị trường của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý kinh tế - tài chính nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, nợ công không chỉ chịu tác động của kế hoạch thu - chi NSNN, mà còn ngày càng gắn kết chặt chẽ với quy mô nợ tư nhân và nợ xấu ngân hàng, cũng như các yêu cầu chi tiêu phát triển định kỳ hằng năm và đột xuất gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội...
Thực tế trong nước và quốc tế đang cho thấy năm 2023 và trước mắt, mỗi quốc gia đều đối diện với bài toán tăng nhanh các nhu cầu chi tiêu đột xuất, bất khả kháng cả yêu cầu, nhiệm vụ chi và quy mô chi tiêu công, trong khi bị sụt giảm, xói mòn nguồn thu NSNN, nhất là thu nội địa. Ở nước ta, theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế thu NSNN 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 645.400 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2022 và số thu hằng tháng có xu hướng giảm. Hơn nữa, nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 38% dự toán; 16/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 47/63 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Lũy kế chi NSNN 4 tháng bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022...
Để kiểm soát tốt trần nợ công và hài hoà mục tiêu quản lý nợ công, quá trình vay mượn vĩ mô và vi mô cần tuân thủ những giới hạn vay quy định, trừ trường hợp phát sinh nhu cầu vượt mức vay tối đa nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch.
Đặc biệt, cần đa dạng hoá nguồn thu NSNN và nguồn vay Chính phủ, linh hoạt từ phát hành trái phiếu chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác; trong đó, ưu tiên vay trong nước và vay bằng nội tệ hoặc ngoại tệ có xu hướng ổn định tỷ giá, tránh cả rủi ro tỷ giá và lãi suất.
Đồng thời, cần tiếp tục giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, đi đôi với coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch và dự án đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm toán đầu tư công để không giải ngân đầu tư công bằng mọi giá, tránh lãng phí, giải ngân và tăng nợ công vì lợi ích nhóm và tham nhũng.
Bên cạnh việc hạn chế bảo lãnh vay cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần tăng cường kiểm soát nợ xấu, nợ tư nhân nước ngoài, nhất là vay nợ ngoại tệ giá rẻ nhằm đầu cơ bất động sản, đầu tư chứng khoán, các đầu tư rủi ro cao và phi sản xuất khác. Sự hạn chế này là cần thiết từ bài học khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997-1998, khủng hoảng nợ công khu vực Euro và khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới những năm 2007-2008.
Cuối cùng, cả trước mắt và về trung hạn, cần kiểm soát tốt tình trạng đầu tư tài chính và các đồng tiền ảo, nhằm giảm thiểu những rủi ro tiền tệ (trong đó có ngoại tệ) và gây mất ổn định, sự lành mạnh của kinh tế - tài chính thật. Điều này càng cấp thiết hơn do tác động nhân bội của mạng xã hội và sự bùng nổ quy mô, mức độ toàn cầu hoá và tự do hoá thị trường ngày càng cao, rộng và sâu sắc hơn; sự phát tán tin giả, tâm lý và hiệu ứng đám đông tự phát hoặc được dẫn dắt có chủ ý trong bối cảnh cuộc chiến thông tin ngày càng đa dạng tinh vi, khốc liệt và nguy hiểm khó lường hơn...!./.