Giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH năm 2015

Xã hội - Ngày đăng : 13:35, 28/01/2016

(BKTO) - Thực hiện chương trình giám sát hàng năm, Ủy ban Các vấnđề xã hội của Quốc hội đã làm việc với một số Bộ, ngành, cơ quan (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, KTNN, Tổng Liênđoàn Lao động Việt Nam) về tình hình thực hiện chínhsách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2015.



Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đã được quan tâm, đẩy mạnh trong năm 2015.Ảnh: TS

Thu BHXH tăng, nợ đọng giảm

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2015, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết:Trong năm 2015, cả nước đã có 283.244 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc, tăng 7,3% so với 2014; số người tham gia BHXH bắt buộc hiện trên 12 triệu người; số thu BHXH bắt buộc đạt 145.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2014; số nợ BHXH hiện còn 5.692 tỷ đồng, giảm 936 tỷ đồng so với 2014. Số chi từ Quỹ BHXH bắt buộc ước 100.891 tỷ đồng, tăng 16,19% so với 2014, do tăng số người hưởng mới và điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ tháng 01/2015.

Từ góc độ của cơ quan đại diện cho quyền lợi của người lao động, ông Lê Trọng Sang - Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, năm 2015, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là Luật BHXH (sửa đổi) đã được quan tâm, đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người lao động (NLĐ), DN. Nhờ đó, đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, qua thực tế giám sát tình hình thực hiện pháp luật BHXH tại 6 tỉnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy: tỷ lệ DN, NLĐ tham gia BHXH, BHYT bắt buộc (diện bao phủ đối với người dân) còn rất thấp. Tỉ lệ bao phủ bình quân của 6 tỉnh khoảng 13% lực lượng lao động tham gia BHXH (khoảng 6,9% dân số trên địa bàn). Nhiều DN thường xuyên ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, hợp đồng nghề, hợp đồng thử việc để tránh tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ.

Về vấn đề nợ đọng BHXH, đa số các ý kiến ghi nhận tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH năm 2015 đã có nhiều chuyển biến và giảm đáng kể so với các năm trước. Nếu năm 2014 số nợ là 4,25% thì đến cuối năm 2015 đã giảm xuống còn 3,65% kế hoạch thu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ một thực tế là mặc dù số tiền nợ đọng giảm song tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các DN vẫn diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng số nợ của 6 tỉnh được giám sát là trên 433 tỷ đồng.

Đề xuất kiểm toán chuyên đề về thực hiện chính sách BHXH

Đồng tình với đánh giá trên, từ góc độ cơ quan KTNN, Phó Kiểm toán Trưởng KTNN chuyên ngành VII Trần Nhật Thành cho biết, năm 2015, KTNN không thực hiện kiểm toán đối với BHXH, tuy nhiên, qua kiểm toán các năm trước cho thấy mặc dù việc phối hợp với các cơ quan trong việc quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT có chuyển biến còn có những bất cập.

Chỉ ra bất cập về cơ chế, đại diện KTNN cho rằng, trong công tác thanh tra, có địa phương phối hợp tốt giữa cơ quan BHXH và thanh tra lao động thì tình trạng nợ giảm, nhưng có địa phương thanh tra lao động chậm vào cuộc thì số nợ BHXH của các đơn vị sử dụng lao động tăng theo thời gian. Chính vì vậy, từ năm 2016, BHXH có chức năng thanh tra, chắc chắn số nợ sẽ có chuyển biến.

Để góp phần thực hiện chính sách BHXH hiệu quả hơn, dự kiến năm 2016, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán đối với BHXH Việt Nam, trong đó, ngoài việc xem xét các vấn đề chung, KTNN sẽ đi sâu xem xét, đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển BHXH trong thời gian tới như vấn đề chi đầu tư phát triển, chi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin...

Đại diện đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đề nghị KTNN ngoài việc thực hiện kiểm toán Quỹ BHXH định kỳ 3 năm một lần theo quy định của pháp luật thì hàng năm KTNN cần lựa chọn một số nội dung bức xúc, phức tạp trong năm để thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề như: Quá trình tổ chức thực hiện các chính sách cho người lao động; việc sử dụng các loại Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ ốm đau thai sản, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; vấn đề giá dịch vụ... nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách này.
NGUYỄN HỒNG