Đánh giá đầy đủ kết quả, những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đối nội - Ngày đăng : 14:38, 12/05/2023

(BKTO) - Qua giám sát chuyên đề và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15, Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sáng 11/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả THTK, CLP năm 2022. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự phiên họp.

110520231056-z4335302597377_392abcafa9578ad557b2cbcdafd5c0da.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước gần 54.000 tỷ đồng

Báo cáo về kết quả THTK, CLP năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định của Luật THTK, CLP.

Nhờ đó, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.

Cụ thể, việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là gần 54.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các Bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật, vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.

Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Lũy kế thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 từ đầu năm 2022 đến 31/01/2023 là hơn 529,4 nghìn tỷ đồng, đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Phân tích, làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế

Thẩm tra sơ bộ về kết quả THTK, CLP năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong THTK, CLP năm 2022. Nhận thức, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

202305111138363535_z4335504334585_9a93df7a47e029e8aa5ca7fd5271a99f.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá, báo cáo của Chính phủ được trình bày theo hướng liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có đánh giá, phân tích về mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế.

Đây cũng là tồn tại, hạn chế của các Bộ, ngành địa phương đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo nhưng chưa khắc phục.

Đồng thời, tình trạng Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình THTK, CLP tồn tại nhiều năm cho thấy thủ trưởng cơ quan tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai công tác THTK, CLP trong Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác THTK, CLP và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo; công khai danh sách Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình THTK, CLP năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai và có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về THTK, CLP.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Báo cáo cần tập trung vào kết quả THTK, CLP 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đánh giá rõ những ưu điểm nổi bật và cần thiết biểu dương những nơi làm tốt, những nơi có chuyển biến tích cực cả nhận thức và hành động.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 74 đã đề nghị Chính phủ rà soát, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai một số công việc cụ thể như phát động cuộc vận động và phong trào thi đua THTK, CLP; làm rõ nội dung nào đã làm được, nội dung nào không làm được, phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, để đánh giá tổng thể việc THTK, CLP trong năm 2022 thì cần có kết quả kiểm toán, báo cáo này sẽ được gửi tới Quốc hội khi hoàn thành.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh, sau chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, ý thức chấp hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương đã có chuyển biến, kết quả khả quan hơn.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá kỹ hơn về tình trạng chuyển nguồn ngân sách của các cấp có xu hướng gia tăng; cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều vướng mắc chưa được khơi thông. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn vấn đề phân cấp ngân sách, bởi thực tế hiện nay đang thực hiện lồng ghép ngân sách, bố trí nhiều nguồn cho cùng một mục tiêu, cùng một nhiệm vụ, nên cần nghiên cứu, làm rõ để thực hiện có hiệu quả./.

Đ. KHOA