Trình Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng
Tài chính - Ngày đăng : 20:13, 13/05/2023
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế GTGT. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đề xuất giảm 2% thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất 10%
Trình bày tóm tắt Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT).
Theo đó, hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022. Việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế.
Bên cạnh đó, quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan).
Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc giảm thuế GTGT dự kiến sẽ giảm số thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
“Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Đối với các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10%, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Không nên mở rộng phạm vi áp dụng
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành từ 31/12/2022. Từ đầu năm 2023, các nhóm hàng hóa đã áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT.
“Việc đề xuất giảm thuế GTGT vào thời điểm tháng 5/2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực DN. Sự ngắt quãng trong thực hiện chính sách còn dẫn đến những hạn chế và phí tổn khác trong quản lý và thực hiện, phức tạp trong xử lý chuyển tiếp cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi nêu rõ.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, so với Nghị quyết số 43, Dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế GTGT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin,…
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế GTGT.
Vào thời điểm hiện nay, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế GTGT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đồng tình chủ trương giảm thuế GTGT cũng như quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm kích cầu để tăng thu là đúng đắn.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 rất khó khăn, DN khó khăn, người dân khó khăn nên liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không? Việc lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc giảm thuế GTGT. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới./.