Tập trung giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công

Đầu tư - Ngày đăng : 10:40, 15/05/2023

(BKTO) - Kết thúc quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đạt mức cao so với bình quân của cả nước. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NNPTNT - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về kết quả đáng khích lệ này, cũng như giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư công trong thời gian tới.
138ef86811dfce8197ce.jpg
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình

Kết thúc quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NNPTNT ở mức cao so với bình quân của cả nước. Đâu là nguyên nhân đưa đến những kết quả nổi bật này, thưa ông?

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của Bộ NNPTNT được giao là 9.851 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 7.611 tỷ đồng, vốn ODA 1.800 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 3/2023, các dự án của Bộ đã giải ngân được hơn 1.390 tỷ đồng, đạt trên 14% số vốn kế hoạch (tỷ lệ giải ngân chung của cả nước chỉ đạt 9,69% kế hoạch), và có sự chuyển biến mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể nêu một số nguyên nhân chính giúp các dự án của Bộ NNPTNT đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Trước tiên, đối với thủ tục triển khai, trong quý IV/2022, Bộ không chỉ tập trung giải ngân vốn cho những dự án triển khai trong năm, mà đã chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư chuẩn bị thủ tục giải ngân cho quý I/2023. Sau khi nhận được kế hoạch vốn được giao, Bộ đã thực hiện ngay việc phân bổ chi tiết nguồn vốn. Các dự án triển khai trong năm 2023 đã được khơi thông và phân bổ, giao kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư. Đến nay, Bộ đã cơ bản phân bổ xong 100% nguồn vốn trung ương cho các công trình, dự án.

Bên cạnh đó, ngay từ cuối năm 2022, Bộ đã triển khai phân bổ vốn đầu tư công cho các đơn vị, dự án. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý xây dựng công trình đã theo sát, đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư, chủ dự án triển khai thi công, đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Dự án Nam sông Hậu, các kè ở Đồng bằng sông Cửu Long… để có khối lượng thực hiện giải ngân cho quý I/2023.

Làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế. Vậy, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tập trung giải pháp gì để đạt mục tiêu trên, thưa ông?

Năm 2023, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch. Dự kiến quý II/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 30%; quý III trên 60%. Để đạt mục tiêu này, khâu tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 cần hoàn thành trước ngày 30/6/2023 theo kế hoạch (trừ một số dự án đặc biệt). Cùng với đó, tiếp tục tập trung đôn đốc các dự án được Chính phủ cho phép kéo dài sang năm 2023 và năm 2024, trong đó ưu tiên các công trình lớn: Hồ Krông Pắk Thượng (tỉnh Đắk Lắk), hồ Cánh Tạng (tỉnh Hòa Bình), hồ Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) và hồ Sông Chò (tỉnh Khánh Hòa).

Song song với đó, các đơn vị cũng đôn đốc tháo gỡ các vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu khởi công các công trình trong năm 2023, đặc biệt là còn 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn.

Về giải pháp trọng tâm trong quản lý, điều hành, Bộ NN&PTNT sẽ chuyển từ quản lý hành chính nhà nước sang phục vụ; tiếp tục rà soát định kỳ (theo tháng, quý) để nhận dạng các dự án, nhóm vấn đề mấu chốt, rủi ro, từ đó tháo gỡ, đôn đốc kịp thời; đồng thời theo sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công từng hợp phần dự án; chủ động đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch các chủ đầu tư đã cam kết.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn, các Bộ, ngành, địa phương còn phải đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng dự án. Vậy, Bộ NNPTNT đã có định hướng và giải pháp về vấn đề này ra sao?

Trong quá trình triển khai các dự án, Bộ NNPTNT tập trung chú trọng đảm bảo chất lượng xây dựng như theo sát công tác chuẩn bị đầu tư từng dự án, song hành thẩm tra, thẩm định ngay từ đầu với chủ đầu tư; giám sát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng. Định kỳ hằng quý đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, xây lắp tạo động lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng...

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và yêu cầu các đơn vị có liên quan, các chủ đầu tư phối hợp với đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán. Bởi, chúng tôi luôn xác định sự vào cuộc của cơ quan Kiểm toán nhà nước đóng vai trò rất quan trọng; thông qua những phát hiện, kiến nghị kiểm toán sẽ giúp Bộ và các chủ đầu tư nhìn nhận rõ hơn những thiếu sót, từ đó kịp thời chấn chỉnh và hạn chế tối đa các sai sót trong triển khai dự án.

Là cơ quan được giao quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý Xây dựng công trình đang và sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát công tác quản lý chất lượng công trình (như giám sát đánh giá đầu tư, kiểm tra công tác nghiệm thu, rà soát tiến độ thực hiện dự án,...).

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

NGUYỄN LỘC