Tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong quản lý đầu tư công
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:27, 15/05/2023
Tham dự Hội thảo có các thành viên tham gia thực hiện Đề tài và các nhà khoa học của KTNN có chuyên môn sâu về lĩnh vực đầu tư công.
Tại Hội thảo, Ths. Trần Quang Huy - Trưởng Khoa, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) - đồng Chủ nhiệm Đề tài - nêu rõ, nhằm quản lý đầu tư công hiệu quả, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ, từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công; xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch đầu tư công; tổ chức thực hiện các kế hoạch đầu tư công đến kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư công.
Qua đó, công tác quản lý đầu tư công đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: cơ bản hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý đầu tư công; từng bước xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; hiệu quả đầu tư công được cải thiện…
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua hoạt động kiểm toán của KTNN cho thấy, công tác quản lý đầu tư công vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư công chưa tốt; trật tự ưu tiên bố trí vốn chưa đảm bảo, còn dàn trải, thiếu tập trung; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa bảo đảm bảo; nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để; tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư, hiệu quả đầu tư chưa cao…
Từ thực trạng đó, việc nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về thực trạng công tác quản lý đầu tư công trong thời gian qua, xác định vai trò và định hướng hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư công là cần thiết và có ý nghĩ cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với hoạt động kiểm toán của KTNN” - Ths. Trần Quang Huy nhấn mạnh.
Mục tiêu của Đề tài là hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về quản lý đầu tư công và kiểm toán công tác quản lý đầu tư công; tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý đầu tư công qua kết quả kiểm toán, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý đầu tư công.
Kết cấu của Đề tài gồm 3 chương chính: Những vấn đề cơ bản về quản lý đầu tư công và kiểm toán công tác quản lý đầu tư công; Thực trạng quản lý đầu tư công qua kết quả kiểm toán của KTNN; Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công.
Trong đó, Đề tài tập trung nghiên cứu công tác quản lý đầu tư công đối với các dự án nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2021.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đánh giá cao ý nghĩa, tính cấp thiết, cũng như cách tiếp cận của Đề tài về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư công dưới góc độ kiểm toán. Điều này không chỉ khẳng định, ghi nhận những kết quả mà KTNN đạt được mà qua đó còn tổng hợp, đúc rút ra được những bài học quý.
“Hàng năm, KTNN đều có tổng hợp kết quả kiểm toán năm, nhưng đánh giá vấn đề trong cả một giai đoạn để có bức tranh tương đối toàn diện về công tác quản lý đầu tư công thông qua kết quả kiểm toán là hướng tiếp cận rất tốt” - TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đánh giá.
Các ý kiến cũng cho rằng, kết cấu của Báo cáo là phù hợp, đã thể hiện được những kết quả tương đối nổi bật của hoạt động kiểm toán; có giá trị tham khảo nhất định đối với hoạt động của Ngành cũng như hoạt động nghiên cứu.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung cụ thể của Báo cáo.
Cụ thể, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần xem xét những bất cập trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là công tác chậm giải ngân, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp đột phá giúp các nhà quản lý tháo gỡ nút thắt này.
Đặc biệt, trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong quản lý đầu tư công được chỉ ra thông qua hoạt động kiểm toán, Báo cáo cần bổ sung thêm các kiến nghị của KTNN về giải pháp tăng cường quản lý các dự án đầu tư công, nhằm tăng cường ảnh hưởng của KTNN đối với đầu tư công, nhất là những kiến nghị về hoàn thiện thể chế chính sách…
Bên cạnh đó, Đề tài cần hoàn thiện, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến bài học kinh nghiệm về công tác quản lý đầu tư công, trong đó nên bổ sung những bài học rút ra trực tiếp từ hoạt động kiểm toán; mô tả rõ hơn phương hướng và mục tiêu, nguyên tắc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công; đồng thời làm rõ hơn phạm vi nghiên cứu, hoàn thiện tên của từng chương, mục để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp.
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Báo cáo, trình Hội đồng Khoa học KTNN nghiệm thu./.