Đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập

Xã hội - Ngày đăng : 13:35, 28/01/2016

(BKTO) - Đàotạo nhân lực y tế là một khâu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồnnhân lực, phục vụ sự nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng nhucầu phát triển và hội nhập. Trước yêu cầu đó, ngành y tế đang tập trung đổi mớicăn bản, toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với mô hình bệnh tậtvà hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với thực tiễn sử dụng nhân lực ytế.



Khả năng thực hành trong các cơ sở đào tạo y tế còn nhiều hạn chế.Ảnh: TS

Nhìn nhận rõ những bất cập

Theo báo cáo của Bộ Y tế, công tác đào tạo nhân lực y tế thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sỹ trên 10.000 dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên khoảng 8,0 năm 2015, số dược sỹ đại học trên 10.000 dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,2 năm 2015. Nhằm giải quyết việc thiếu hụt nhân lực y tế trong một số lĩnh vực và các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhiều chính sách, đề án, dự án đã được ban hành và triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Đổi mới đào tạo nhân lực y tế Việt Nam” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, tồn tại trong công tác đào tạo nhân lực y tế. Theo đó, cho đến nay, Việt Nam không có chương trình đào tạo y tế đại học chuẩn hoặc kỳ thi cấp phép hành nghề y quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng năng lực và trình độ không đồng đều của các sinh viên tốt nghiệp trường y. Chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo y dược đăng ký chương trình học bác sỹ nội trú (cao học), trong khi hầu hết các sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm tại các bệnh viện khác nhau và bước vào một giai đoạn thử việc và sau đó nhận được giấy phép hành nghề y. Việt Nam cũng không có chương trình thực tập quốc gia hoặc chương trình đào tạo chuyên ngành, chỉ có một số trường đại học tổ chức đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, được gọi là Chuyên khoa I và Chuyên khoa II; chưa có hệ thống kiểm định chuẩn cho các trường y và bệnh viện trực thuộc (các địa điểm đào tạo). Các tiêu chí kiểm định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2005 chưa công nhận việc giảng dạy y tế đòi hỏi cơ sở vật chất, thiết bị riêng và thực hành lâm sàng.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực y tế còn nặng về truyền đạt lý thuyết, khả năng thực hành hạn chế; chất lượng đào tạo chưa cao, cán bộ ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; việc phân bổ nguồn nhân lực y tế chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng giữa các vùng, các tuyến. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Những hạn chế, bất cập trên khiến cho chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng người bệnh “chê” tuyến dưới, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Tập trung đổi mới chương trình đào tạo chủ chốt

Trước những bất cập, thách thức trên, Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết, Bộ Y tế chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng dựa trên năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Bộ Y tế đã triển khai nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo ngành y, dược theo hướng đảm bảo tính khoa học, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong đào tạo nhân lực y tế, tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng kiến nghị Việt Nam cần có quy trình kiểm định dựa trên các tiêu chí và các cơ chế giám sát do một số cơ quan quản lý thực hiện và có sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp, đồng thời cần có cơ chế đánh giá chất lượng đào tạo và đặc biệt phải có các tiêu chí đánh giá quốc gia và một kỳ thi cấp phép quốc gia để đánh giá các năng lực cần phải có của sinh viên sau khi ra trường và chương trình thực hành lâm sàng đủ 18 tháng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành Y tế cần quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “vừa hồng, vừa chuyên”; vừa có năng lực, tay nghề, trình độ chuyên môn giỏi, vừa có y đức tốt, hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. Thiết nghĩ, chủ trương quyết tâm đổi mới đào tạo nhân lực y tế sẽ là “cái gốc” để ngành y đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
ĐĂNG KHOA