Hồ Chí Minh “trọn đời hy sinh cho nhân dân, cho thế giới hòa bình”
Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 19:47, 19/05/2023
Ca khúc “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Tô Vũ ra đời vào đầu những năm 1950 là một trong những ca khúc thành công viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Điệp khúc: “Hồ Chí Minh suốt đời vì nhân dân đấu tranh” và “Hồ Chí Minh! Người nêu gương trọn đời hy sinh cho nhân dân, cho thế giới hòa bình” đã thể hiện rõ sự kiên trì, kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn cả cuộc đời đấu tranh cho nhân dân, cho cách mạng Việt Nam, cho hòa bình thế giới.
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 09/9/1969, Đảng ta đã nêu rõ: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Ngay từ những năm còn trẻ tuổi, bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã tâm huyết tìm con đường cứu nước cho dân tộc và mong ước được trở về đất nước thực hiện hoài bão của mình. Trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Ngày 06/6/1941, trong Kính cáo đồng bào, Hồ Chí Minh tỏ rõ quyết tâm sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì độc lập dân tộc: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành độc lập, dẫu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.
Từ khi trở về nước cho đến lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh đã dành tất cả tâm huyết, trí tuệ, sức lực để cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh cho Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, kháng chiến chín năm trường kỳ thắng lợi và anh dũng chống Mỹ cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đúng như những lời tâm huyết của Người: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng là vì mục đích đó”.
Cùng với độc lập tự do cho dân tộc, cho nhân dân, Hồ Chí Minh còn tích cực đấu tranh chống đói nghèo, lạc hậu, đem lại ấm no, hạnh phúc, các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Ngay từ tháng 10/1945, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở đội ngũ cán bộ: Nước nhà được độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa.
Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả. Người cũng đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nêu ra những giải pháp, những việc cụ thể cần làm.
Trước hết, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tiên phong, gương mẫu trong việc chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân. Người không chỉ có những chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, biện pháp đúng mà còn trực tiếp có nhiều việc làm thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu sắc với nhân dân. Chỉ xin nêu một ví dụ, ngày 28/9/1945, trong bài viết Sẻ cơm nhường áo đăng trên Báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vì vậy tôi xin đề nghị đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Và trên thực tế Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã gương mẫu thực hiện việc nhịn ăn cứu đói, cùng cả nước diệt giặc đói. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn: Một ngày đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Hồ Chí Minh xác định rõ trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc chăm lo đời sống của nhân dân. Theo Người: Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn. Đảng vẫn còn đau thương, còn cho là chưa làm tròn nhiệm vụ khi mà còn có người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn. Từ đó, Người nhắc nhở: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đối với nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền và ngay chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân và phải có trách nhiệm hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Ngày 30/11/1954, khi nói chuyện với anh chị em công chức ở Thủ đô, Hồ Chí Minh dạy: “…Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Hồ Chí Minh cũng động viên, kêu gọi nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm… Gửi thư cho đồng bào Hòa Bình, Hồ Chí Minh đề nghị: Được giải phóng rồi thì đồng bào ta phải thực hành đại đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc và thi đua tăng gia sản xuất cho mọi người được no ấm… Người khuyên nhủ người dân: “Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới là đúng”.
Cùng với tranh đấu, hy sinh cho nhân dân, cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không ngừng đấu tranh, hy sinh cho hòa bình thế giới, cho cách mạng vô sản thế giới. Người tham gia Quốc tế Cộng sản, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động rất tích cực cho cách mạng vô sản và hòa bình thế giới. Đảng ta đã khẳng định: “Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Là người học trò trung thành của Các Mác và Lê-nin, Hồ Chủ tịch chẳng những là một nhà yêu nước vĩ đại, mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX. Hồ Chủ tịch thường dạy chúng ta phải chăm lo bảo vệ sự đoàn kết quốc tế, vì sự nghiệp to lớn của cách mạng Việt Nam, vì nghĩa vụ cao cả đối với cách mạng thế giới”.
Với một tấm gương ngời sáng suốt đời đấu tranh, hy sinh vì nhân dân, vì hòa bình thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Người thật sự xứng đáng với lòng biết ơn, tình yêu thương, kính trọng của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới gửi đến Người. Nhân dân ta biết ơn, tin yêu, theo Đảng, theo Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước. Lời bài hát: “Nhớ ơn Hồ Chí Minh”: “Toàn dân ghi ân đức Người dài lâu như núi sông/ Như mưa rơi trên trên đồng khô, như ánh nắng ngày mùa/ Như ánh nắng soi ngày mùa… đã thể hiện tấm lòng của các thế hệ người Việt Nam với Hồ Chí Minh. Và chúng ta càng hiểu rõ hơn tình cảm của nhân dân thế giới với Hồ Chí Minh qua những lời trong ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh: “Thế giới nghiêng mình/ Loài người tiếc thương/ Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do/ Người là ước mơ của các dân tộc…”.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã, đang và sẽ mãi mãi nỗ lực thực hiện lời thề trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết tâm làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”./.